Theo cách này hay cách khác, Paris và những công dân của nó đều đang đứng dậy. Mệt mỏi nhưng kiên cường.

Khu République là một trong những nơi có cuộc sống về đêm sôi động nhất ở thủ đô Paris. Nằm giữa quận 10 và 11, hàng quán ở đó không có vẻ sang trọng, quý phái như các khu quận 7, 16 ở bờ trái - Rive Gauche, cũng không mang vẻ thị dân hiện đại như quận 8,9 ở bờ phải-Rive Droite.

Trong lịch sử của mình, đó thường là những nơi đầu tiên tiếp nhận các cộng đồng di cư. Nơi đó từng có các nhà máy dệt của công nhân Bắc Phi, các cửa hiệu của người Bồ và cả các khu chợ của người Á.

Đi xuyên Paris từ Tây sang Đông và dừng chân ở khu République, sẽ có một cảm giác như đang đi về quá khứ bởi bộ mặt cũ kỹ của Paris nơi đó dường như bao năm không đổi. Và phong cách sống cũng thế, khi đêm về với các hàng quán rộn rã tiếng cười của các du khách bình dân.

{keywords}

Một người đàn ông ôm mặt khóc khi đến đặt hoa, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân bị bắn chết trước tiệm cà phê Carillon. Ảnh: AP

Khi những kẻ khủng bố cho nổ bom và nã súng vô tội vạ vào những vị khách đang tươi cười hết mình trong buổi tối cuối tuần Thứ Sáu-ngày 13, chúng thực ra đang nã súng vào cái mà người Pháp gọi là savoir-vivre, tức là biết cách sống.

Với người Pháp, savoir-vivre cũng đáng tự hào không kém gì savoir-faire, tức làm được thì cũng phải chơi được. Savoir-vivre là buổi sáng phải bắt đầu với một ly café ở một quán bistro vỉa hè và tối cuối tuần phải vui hết mình bên bạn bè. Người Pháp không tự nhiên nghĩ ra Luật 35h, theo đó người lao động không được làm quá 35h/tuần. Họ cũng không tự nhiên rủ nhau nghỉ toàn bộ tháng 8 để đi du lịch.

Với người Pháp, nghỉ ngơi cũng quan trọng như làm việc và không nơi nào thể hiện tinh thần đó rõ nét hơn các hàng quán Paris, đặc trưng với ghế ngồi nhỏ xíu và đèn sưởi đỏ rực. Bắt người Paris không được sống theo cách họ muốn là cái đích mà bọn khủng bố hướng tới. Và chúng thực hiện bằng những cách phi nhân vô nghĩa.

Buổi sáng thứ Bảy, khi cả Paris vẫn còn chìm trong tang tóc và hoảng sợ, nhịp sống như bị đông cứng bởi tình trạng khẩn cấp được áp đặt trên toàn bộ đất Pháp lần đầu tiên sau nửa thế kỷ, tôi tìm đến ngã ba Faubourg du Temple-Bichat-Fontaine au Roi. Đây là ngã ba đông đúc và chật chội bậc nhất trong khu bởi thường thì tất cả những ai từ phía Đông Bắc Paris, khu Belleville, Père Lachaise hay từ đường vành đai muốn đi vào trung tâm Paris đều phải qua đây.

Cách đó vài trăm mét, chính là quảng trường République. Những vết đạn tung tóe khắp nơi trên các lớp kính của nhà hàng Bonne Bière. Bên trong, bàn ghế xô đẩy, thực đơn vẫn đang mở, và rượu còn vương trên ly. Lùi ra xa, nhắm mắt lại, có thể hình dung ra cơn ác mộng đêm đó. Cả một dải phố phải hứng chịu những loạt đạn bất nhân.

Những kẻ cuồng tín chắc chắn không hướng đến một mục tiêu cụ thể nào cả mà chỉ lia băng đạn theo bản năng hoang dại. Một cửa hiệu giặt là ngay bên cạnh Bonne Bière cũng bị nã đạn tan hoang. Cách đó vài bước chân, quán ăn Casa Nostra chịu chung số phận. Cát được rải khắp trên mặt đất để che đi những vệt máu loang lổ khắp nơi, bên một chiếc ghế mây vẫn nằm đơn độc.

Jean-Pierre, chủ cửa hiệu bán hoa ngay sát cạnh hiệu giặt là và đối mặt với Casa Nostra, vẫn rùng mình khi nhắc lại. Anh và người thân của mình thoát nạn vì vào lúc xả súng, cửa hàng đã đóng. “Nhưng tôi không bao giờ xua được ám ảnh rằng chỉ vài bước chân bao quanh mình cả 3 phía đều là xác của những người vô tội”.

Sáng Chủ nhật, Jean-Pierre quyết định mở cửa bán hàng dù kể cả không có tình trạng khẩn cấp, bình thường thì cũng không mấy cửa hàng ở Paris mở ngày Chủ nhật. Jean-Pierre nói anh phải mở hàng, để chứng tỏ rằng súng đạn không thể làm thay đổi cách mà anh vẫn sống. Và anh phải mở hàng vì hàng trăm người dân Paris có thể sẽ cần đến hoa của anh để đặt bên những ngọn nến tưởng niệm ngay trên hè phố. Paris trọng thương, nhưng Paris đang trở lại.

Vấn đề bây giờ là phải đối mặt ra sao với một tương lai đầy bất trắc. Như New York sau ngày 11-9, Paris sau ngày 13-11 sẽ không bao giờ là Paris như trước.

Người Paris kiên cường, thậm chí còn đủ tự tin để giễu cợt. Chiều Chủ nhật, bất chấp lệnh cấm diễu hành đông người (do tình trạng khẩn cấp), vài trăm người vẫn tụ hội ở quảng trường République. Họ khoác một tấm băng-rôn mang dòng chữ “Même pas peur” (thế vẫn không sợ) cùng một bộ mặt cười lên bức tượng nàng Marianne.

Tháng 1 đầu năm nay, cũng chính họ xếp nên dòng chữ “Not afraid” – Không sợ” lan truyền khắp thế giới khi xảy ra vụ Charlie Hebdo. Tất cả để gửi đi thông điệp: kể cả vụ này nữa, chúng ta cũng không sợ hãi. Nhưng nỗi sợ đôi khi đến từ bản năng mà chúng ta chưa chắc đã có thể khống chế.

Cũng chính tại quảng trường République chiều Chủ nhật đó, khi treo xong tấm băng-rôn, vài trăm người tại đó đã hoảng loạn bỏ chạy khi có một báo động giả về một nổ súng mới. Sợ hãi, vì thế, không phải là một phạm trù đạo đức, mà là thuộc tính con người.

Tương lai của những cư dân Paris, cư dân Pháp, là làm thế nào để trung hòa được nỗi sợ hãi đó để tiếp tục sống tự do theo những giá trị mà mình theo đuổi.

Ban biên tập tờ Quoitidien, một tờ báo dành cho trẻ em từ 6-14 tuổi, nghĩ rằng thay vì chìm trong sự đau buồn, u ám, điều cần thiết là phải chuẩn bị cho các thế hệ tương lai một tâm lý vững vàng, biết rõ phải trái để có thể đối mặt với những cú sốc tương tự trên đường đời.

Quoitidien, vì thế, ra một số đặc biệt về vụ khủng bố, sắp xếp dưới dạng hỏi-đáp, với những câu như “Tại sao bọn chúng lại giết những người yêu nhạc rock, bóng đá, quán bar?” hay “Bọn khủng bố hôm thứ Sáu có phải là bạn với những kẻ tấn công Charlie Hebdo?”.

Một cách kín đáo và tránh thị phi tôn giáo, người Pháp kiên quyết theo đuổi những giá trị cộng hòa và thế tục trong nền giáo dục của mình.

Một cách khác để vượt qua sợ hãi, chính là đối mặt với nó càng sớm càng tốt. Các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục được mời lên ti-vi, radio để nói về nỗi đau, sự mất mát và cách đối mặt với chúng. Gregory Reibenberg, ông chủ quán La Belle Équipe, nơi bọn khủng bố tước đi mạng sống của 19 người, trong đó có cả vợ ông, xuất hiện trên France 2 để nói về những gì ông đã trải qua.

Đau khổ nhưng bình thản. “Vì cuộc sống vẫn phải tiếp tục và tôi còn phải lo cho con gái mình”. Một phụ nữ khác khóc trên đài France Info: “tôi khóc cho các nạn nhân, nhưng cũng khóc cho chính mình vì tôi đã không dám ra khỏi nhà hai hôm nay. Tôi không muốn và sẽ không thể để điều đó tiếp tục. Tôi phải ra đường và sống tiếp theo cách của mình”.

Theo cách này hay cách khác, Paris và những công dân của nó đều đang đứng dậy. Mệt mỏi nhưng kiên cường.

Quang Dũng (Theo TBKTSG)