Vào hồi tháng 11/2022, một chiếc máy bay của tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen đã xuất hiện trên bầu trời với dòng biểu ngữ: “Bạn muốn cảm giác thăng hoa, hãy lái xe điện. Còn nếu muốn sự tẻ nhạt, lái Toyota”. Sự xuất hiện của chiếc máy bay này đã thu hút sự chú ý của toàn bộ khán giả đang ngồi xem giải đua xe Nascar Cup khi đó.

Toyota bị chỉ trích vì chậm chân trong việc phát triển xe điện (Ảnh: Bloomberg)

Trước đó, một bức tâm thư chỉ trích việc Toyota chậm chạp trong việc phát triển xe điện đã được gửi tới CEO của Toyota – ông Aikio Toyoda. “Toyota không hề nỗ lực trong việc bắt kịp nhu cầu ngày càng lớn với xe điện. Hoặc là hãng phải nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện hoặc sẽ bị lỗi thời”, bức thư đề cập. Nỗi lo lắng này không phải là không có cơ sở khi Toyota và nhiều hãng xe Nhật Bản khác đang có nguy cơ đánh mất vị thế dẫn đầu trước những hãng xe “non trẻ” khác.

Toyota cùng nhiều hãng xe Nhật Bản “rớt đài” trong cuộc đua xe điện

Khi các hãng xe từ Trung sang Mỹ đến châu Âu đổ xô vào phát triển xe điện với tốc độ chóng mặt thì các “tượng đài” trong làng xe Nhật Bản lại đang đứng “ngoài lề”. Theo Bloomberg Intelligence, trong 3 quý đầu năm 2022, doanh số bán xe chạy pin đã tăng khoảng 80% so với cùng kì năm ngoái bất chấp tổng doanh số bán ô tô toàn cầu giảm tới 4%. Tesla, BYD và Volkswagen là những hãng xe “thống trị” phân khúc xe điện và đáng chú ý là không có bất kì hãng xe Nhật Bản nào lọt top 20.

Trong năm 2021, 6 nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản chiếm khoảng 40% thị phần xe chở khách tại Mỹ. Tuy nhiên, cho đến quý II/2022, thị phần của các hãng xe Nhật đã giảm xuống còn 34% và đến quý III là 32%, theo thống kê của trang Bloomberg.

Doanh số ô tô Nhật Bản tại Mỹ sụt giảm đáng kể (Ảnh: Bloomberg)

Năm ngoái, GM soán ngôi Toyota để trở thành hãng xe bán chạy nhất nước Mỹ trong khi doanh số bán xe của Toyota tại thị trường này giảm tới 9,6% vào năm 2022. Khi ngày càng nhiều người Mỹ lựa chọn mua xe điện, các hãng xe Nhật Bản trở thành những “kẻ yếu thế”, dù cho chúng là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nhiều thập kỷ qua.

Nhiều chuyên gia lo ngại các thương hiệu ô tô Nhật Bản sẽ dần bị ngó lơ ở các thị trường khác, không chỉ riêng Mỹ khi người người nhà nhà đang đổ dồn mọi sự chú ý vào xe điện. Nếu thế, đây sẽ là cái kết buồn dành cho các thương hiệu ô tô Nhật Bản – những “ông lớn” đã thống trị thị trường từ Đông Nam Á cho đến châu Phi.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà các hãng xe Nhật Bản đang phải đối mặt là nhiều thị trường đang chuyển đổi sang sử dụng xe điện với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán. Đơn cử như ở Đức và Anh có khoảng 15% xe mới là xe điện trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 20% chỉ trong 3 quý đầu năm 2022.

Các hãng xe Nhật Bản có thể gặp khó khăn khi cạnh tranh với các hãng xe điện khác (Ảnh: Autonews)

Cựu CEO của Nissan nhận định ngành sản xuất ô tô Nhật Bản cần phải bắt kịp xu thế xe điện, dù có thể bây giờ đã là quá muộn. Theo ông, Nissan đã đánh mất lợi thế của người tiên phong và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc đuổi kịp các đối thủ “non trẻ” khác.

Vì đâu nhà sản xuất ô tô Nhật Bản thờ ơ với xe điện?

Sự hờ hững với xe điện của các hãng xe Nhật Bản không phải là điều khó hiểu. Trên thực tế, những hãng xe Nhật Bản đã bắt đầu phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường từ rất sớm. Cách đây 25 năm, Toyota đã ra mắt mẫu xe hybrid Prius. Nissan cũng đã ra mắt mẫu hatchback Leaf vào năm 2009 – mẫu xe tiên phong trong thị trường xe điện.

Tuy nhiên, sự hào hứng với những mẫu xe điện đời đầu đã nhanh chóng biến mất khi doanh số bán xe không mấy khả thi. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khi đó tin chắc rằng cuộc cách mạng xe điện sẽ chỉ diễn ra một cách chậm chạp và không phải là “miếng bánh ngọt dễ ăn”.

Một lý do khác khiến các hãng xe và giới chức Nhật Bản chậm trễ trong việc phát triển xe điện là vì lo ngại dòng xe này sẽ ảnh hưởng đến doanh số ô tô hiện có. Hơn nữa, điều này cũng ảnh hưởng đến mạng lưới các nhà cung cấp và nhà thầu phụ vì xe điện thường không cần nhiều bộ phận như ô tô truyền thống.

Liệu xe Nhật có dần chìm vào quên lãng? (Ảnh: Japan Auto News)

Theo báo cáo của Climate Group, sản xuất ô tô là một trong những ngành chủ lực của Nhật Bản, chiếm gần 20% hoạt động sản xuất trong nước và cung cấp tới 8% việc làm. Jesper Koll – trưởng nhóm chuyên gia của công ty dịch vụ tài chính Monex Group cho biết: “Sản xuất một chiếc xe điện sẽ khiến một nửa người dân ở Nagoya thất nghiệp. Từ đó, tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản cũng sẽ bị thu hẹp”. Nagoya là “tụ điểm” của nhiều nhà sản xuất phụ tùng ô tô ở Nhật Bản.

Lợi thế thương hiệu có giúp hãng xe Nhật kịp “quay xe”?

Ý thức được sự phát triển thần tốc của xe điện, nhiều nhà sản xuất ô tô tại xứ sở hoa anh đào cũng đã đẩy mạnh đầu tư vào các dự án xe điện. Hãng Toyota đã rót 4 nghìn tỷ yên (tương đương 30 tỷ USD) vào kế hoạch ra mắt 30 xe điện vào năm 2030. Honda cũng bắt tay với GM để sản xuất mẫu SUV chạy điện ra mắt vào năm 2024 và hợp tác với Sony để phát triển xe điện cao cấp từ năm 2026. Hay như Nissan cũng mạnh tay chi tiền để giới thiệu nhiều mẫu xe điện mới.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được cho là vẫn có lợi thế nhất định sau nhiều năm dẫn đầu thị trường. Toyota, Honda hay các hãng xe Nhật Bản khác vẫn có độ nhận diện thương hiệu lớn với mạng lưới phân phối và dịch vụ tại nhiều thị trường quốc tế. Dẫu vậy, giới phân tích cho hay nếu không có kế hoạch kĩ lưỡng và thông minh, các hãng xe Nhật Bản sẽ không thể bắt kịp các đối thủ.