Đại biểu QH muốn đưa ra một đề xuất luật phải dũng cảm, quyết tâm. Quyền trình sáng kiến pháp luật đã có từ
hơn 20 năm, song chưa trường hợp nào thực hiện thành công.
>> Không có thư ký, có khi đại biểu 'gật gù cho xong'/ Chuẩn bị luật Biểu tình, Trưng cầu ý dân
Thực tế này được ghi nhận tại hội thảo "Đại biểu QH với việc thực hiện sáng quyền lập pháp - kinh nghiệm của VN và quốc tế" do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (Đức) tổ chức ngày 23-24/4 tại Quảng Ninh.
Kinh phí tốn kém
Hiến pháp quy định sáng quyền lập pháp của ĐBQH bao gồm cả quyền trình kiến nghị về luật và dự án luật ra trước Quốc hội. Cho đến nay, mới có một đại biểu có nguyện vọng trình một dự án pháp lệnh, và một đưa kiến nghị, nhưng đều không thành.
|
Đại biểu QH Trần Thị Quốc Khánh: Hầu như đại biểu phải tự lực hoàn toàn. Ảnh: Lê Anh Dũng
|
“Quyền trình sáng kiến lập pháp của ĐBQH đã được quy định ở nhiều văn bản pháp luật nhưng việc thực thi còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là chưa thực hiện được”, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Hoàng Văn Tú nhận định.
Trao đổi với VietNamNet, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết hiện chưa có một quy định cụ thể về quy trình, cách thức, bộ máy hỗ trợ soạn thảo luật cho đại biểu. “Bản thân Viện chúng tôi cũng có một sáng quyền lập pháp là... làm luật về việc làm luật của đại biểu QH. Nếu chưa có luật thì trước mắt ít nhất cũng phải có nghị quyết của QH”.
Theo ông Thảo, có hai lý do cơ bản khiến đại biểu chưa thực hiện được quyền này. Trước hết, kinh phí làm luật rất tốn kém: nghiên cứu trong ngoài nước, mời chuyên gia, tổ chức hội thảo hội nghị… “Cá nhân các đại biểu không có cơ chế nào để huy động được khoản tiền đó, trừ phi họ là doanh nhân chẳng hạn”.
Thứ hai là các đại biểu không có bộ máy, lực lượng nhân viên hỗ trợ, cũng như các cơ quan dịch vụ, ví dụ như tiểu ban soạn thảo. Trong khi tại các nước khác, đại biểu QH có bộ máy giúp việc riêng.
Nhận định của ông Thảo được rất nhiều đại biểu trong nước cũng như quốc tế tại hội thảo chia sẻ. Theo GS. Jongbin Yoon, Viện nghiên cứu của QH Hàn Quốc, mỗi nghị sĩ nước ông sẽ được 7 nhân viên hỗ trợ, do nhà nước trả lương.
Con số này với nước Pháp là tối đa 5 nhân viên cho mỗi nghị sĩ. Ông Benjamin Guegau từ Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cho biết, mỗi nghị sĩ Pháp có ngân sách trên 9.000 euro/tháng để trả lương cho nhân viên. Chỉ nguyên Hạ viện Pháp có tổng cộng 1.700 nhân viên, cộng tác viên của nghị sĩ và các nhóm chính trị.
Cũng theo ông Guegau, năm 2010 và 2011, Pháp đã có 10.147 kiến nghị tu chỉnh, sửa đổi luật được các nghị sĩ đưa ra, trong số đó có 2.314 kiến nghị được thông qua. Có 24 đề xuất dự luật do nghị sĩ đưa ra được thông qua.
Tự lực
Thông tin từ hội thảo cho biết, mới đây đại biểu Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đã gửi trình sáng kiến luật Hành chính nhưng chưa được chấp thuận. Theo bà Khánh, đây là luật rất cần thiết và nhiều nước đã có luật này.
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế “điều hành nhà nước còn nhiều hạn chế, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm, thậm chí trên bảo dưới không nghe…”. Do đó, luật Hành chính hướng đến quy định những người tham gia bộ máy nhà nước cần biết phải làm gì, phải nắm rõ đối tượng quản lý, phương pháp quản lý ra sao, mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan, bộ máy trong hệ thống chính trị VN.
Trao đổi với VietNamNet, bà Khánh bày tỏ, hiện đại biểu chuyên trách hoặc không chuyên trách đều có rất nhiều trách nhiệm cần hoàn thành, trong khi chưa có cơ chế, bộ máy giúp việc. Do vậy, đại biểu đưa ra được một đề xuất là phải “dũng cảm, quyết tâm vượt qua những khó khăn”.
Cũng theo bà Khánh, hiện đại biểu mới nhận được hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu lập pháp (UB Thường vụ QH) và Trung tâm thông tin, thư viện, nghiên cứu khoa học (Văn phòng QH). Ngoài sự tích cực giúp đỡ của hai cơ quan này, hầu như đại biểu phải tự lực hoàn toàn.
Mỹ Hòa