Phát huy sức trẻ, năng động, sáng tạo xây dựng quê hương, bản làng
Toàn huyện Mường La có hơn 1.400 ha trồng chuối, tập trung chủ yếu ở xã Mường Bú, Tạ Bú, thị trấn Ít Ong... mỗi năm cho sản lượng hàng chục nghìn tấn.
Nhận thấy địa phương có nguồn nguyên liệu chuối dồi dào, tuy nhiên, bà con trong vùng chỉ bán đến sản phẩm thô, chưa có sản phẩm chế biến, đặc tính của chuối là loại trái cây nhanh chín, dễ mềm qua quá trình vận chuyển xa làm chuối dễ bị dập, giảm giá thành. Qua nghiên cứu tôi đã có ý tưởng chế biến chuối thô thành các sản phẩm từ chuối, tôi đã tập hợp một số cán bộ đoàn xã và thanh niên trong xã thành lập HTX nông sản HT, vốn hoạt động trên 200 triệu đồng, đầu tư máy chiên, máy sấy công nghiệp, máy hút chân không… phục vụ cho việc chế biến các sản phẩm từ chuối.
Đến nay, Hợp tác xã nông sản HT hiện có 10 thành viên tham gia, hầu hết là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Tạ Bú. Hiện tại, HTX đang chế biến sản xuất 5 sản phẩm chuối, gồm: Chuối ngào đường, chuối lắc phô mai vị mặn, chuối lắc phô mai vị mặn cay, chuối sấy không đường và chuối sấy dẻo. Bình quân, mỗi tháng HTX xuất bán được từ 1.500 – 2.000 sản phẩm, doanh thu đạt hơn 30 - 40 triệu/tháng.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, HTX đã xuất bán được trên 3.000 sản phẩm, không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn được tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc. Tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương và 5-7 lao động thời vụ, thu nhập cho lao động từ 5 – 7 triệu đồng/tháng/người.
Phát huy sức trẻ, năng động, sáng tạo, biết nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, có những cách làm mới để mang lại hiệu quả, HTX đã lập các tài khoản trên một số nền tảng xã hội, như: Facebook, Tik Tok để quảng bá rộng rãi các sản phẩm. Tích cực liên kết với nhiều mối hàng hóa ở Hà nội, Thái Bình, Homestay ở Bắc Yên, Mộc châu và tham gia các gian hàng hội chợ do tỉnh, huyện tổ chức, như: Gian hàng trưng bày tại Ngày hội toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023, Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La; Festival Khèn Mông tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; lên kết với các nhà phân phối bán các sản phẩm tại gian hàng tết của Vincom Plaza Sơn La.
Mô hình có thể nhân rộng ra các bản để đoàn viên thanh niên học hỏi
Xuất thân ở vùng nông thôn, anh Lò Văn Đức, ở bản Phiêng Hua Nà, xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. May mắn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 100 triệu đồng từ ngân hàng, tháng 8/2021, anh Đức đã mạnh dạn đầu tư 6 lồng cá kiên cố thay thế 2 lồng tre trước đây.
Sẵn có nghề nuôi cá từ trước, cộng thêm bản tính cần cù, ham học hỏi, anh Đức vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong vòng 20 tháng kể từ ngày vay vốn khởi nghiệp, anh Đức đã xuất bán được 2 lứa với sản lượng trên 10 tấn cá các loại, giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng, thu lời khoảng 50 triệu đồng. Hiện nay đang bắt đầu vào vụ cá thứ 3. Tương lai thu hồi vốn không còn xa nữa.
Anh Lèo Văn Bình, Bí thư Đoàn xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Đoàn viên Lò Văn Đức đã mạnh dạn, chủ động đầu tư, vay vốn 100 triệu đồng từ ngân hàng đã nuôi trồng và phát triển 6 lồng cá, bước đầu đã tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mô hình này rất có tiềm năng và có thể nhân rộng ra các bản để đoàn viên thanh niên học hỏi và phát triển kinh tế hộ gia đình".
Những câu chuyện thực tế ghi nhận ở Mường La qua cho thấy hiệu ứng tích cực thu được từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia khác đã và đang triển khai. Dù nhiều mô hình kinh tế vẫn còn đang phát triển ở quy mô nhỏ, nhưng bước đầu khẳng định bước tiến dài trong chuyển đổi nhận thức của người dân ở các vùng nông thôn mới đang góp phần mở ra hướng phát triển bền vững để duy trì các tiêu chí xây dựng các miền quê đáng sống.