Hỏi thì chủ sạp nói đó là mứt Bến Tre, Quảng Ninh…, nhưng dân trong nghề đều biết đó là mứt Trung Quốc nhập về!
Từ mứt gia truyền xuất xứ… Trung Quốc
Trong vai thương lái tỉnh xa muốn tìm hàng mứt Tết để bán, chúng tôi đến chợ đầu mối Bình Tây (Q.6, TP.HCM). Chợ này nổi tiếng nhập hàng Trung Quốc rồi phân phối đi các tỉnh. Bà Phát, chủ một sạp mứt hớn hở giới thiệu đủ loại mứt khác nhau như mứt bí, mứt cà rốt, mứt khoai, mứt gừng, mứt mận, mứt đào… với giá bán dao động từ 40 ngàn đến hơn 100 ngàn đồng/kg.
Tất cả mứt đều được chứa trong các bao giấy cứng 10 - 20 kg mở tênh hênh miệng bao, không có gì che đậy cho hợp vệ sinh. Khi hỏi nguồn gốc, chị Phát cho biết đây là hàng lấy từ tỉnh Quảng Ninh, không phải hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi biết chúng tôi có ý định mua sỉ, số lượng nhiều, "hàng Trung Quốc cũng được" thì chị này bắt đầu nói thật: "Do nghe nói hàng Trung Quốc là nhiều người dị ứng nên khi bán, mình phải nói né đi. Giá mứt Trung Quốc “mềm” hơn so với mứt trong nước. Em cứ nếm thử rồi quyết định. Ở đây, chị có nhiều loại mứt khác nhau. Năm nào cũng vậy, cận Tết, mứt Trung Quốc bán rất đắt hàng vì mẫu mã phong phú, màu mứt bắt mắt, gói bằng giấy kiếng rất đẹp. Mứt Trung Quốc để lâu chừng nào cũng được vì không có hạn sử dụng”.
Theo chị Phát, tuy là mứt Trung Quốc nhưng đều làm từ "nguyên liệu sạch", được thương lái phía Bắc tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi nhập về từ Móng Cái (Quảng Ninh).
Đủ loại hóa chất từ hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản, chất tẩy trắng, chất tạo giòn tại chợ "thần chết" Kim Biên, quận 5, TP.HCM |
Theo quan sát của chúng tôi, các loại mứt đủ màu của Trung Quốc không chỉ đựng trong từng chiếc túi giấy to mà còn đóng sẵn thành từng gói nhỏ khoảng 400 - 500gr, có ghi dòng chữ: "Chúc mừng năm mới", ngoài ra không có thêm bất kỳ thông tin nào về nơi sản xuất, hạn sử dụng thì ghi trong vòng 5 tháng (?!) nhưng không rõ ngày sản xuất.
Chị Phát nói hồn nhiên: “Nếu cần nhãn thì khi nào em mua, chị bỏ mứt vào bao rồi dán nhãn mác lên. Em thích thương hiệu mứt Bến Tre thì chị dán cho!”
Đi các sạp khác đều thấy tiểu thương ở đây tự gán nhãn mác cho sản phẩm của mình bằng những cái tên như mứt Thái Lan, mứt gia truyền Bến Tre, Đà Lạt...
Đến mứt tết “Made in... Xóm tre làng”
Không chỉ mứt Trung Quốc có giá rẻ, vẫn đóng vai khách hàng muốn mua mứt bí đưa về tỉnh, chúng tôi đến một cơ sở “xóm tre làng” là ấp Xuân Thới Đông, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Chị T., chủ cơ sở chào giá khá rẻ, chỉ từ 20 - 25 ngàn/kg, trong khi đó, giá ở chợ Bình Tây lên đến 30 ngàn đồng/kg. Đây là chuyện lạ, bí đao tại các chợ đầu mối hiện có giá khoảng 4.000 - 4.500 đồng/kg. Còn loại bí lớn (15 - 20 kg/trái) có nguồn gốc từ tỉnh Lâm Đồng rẻ hơn khoảng 1.000 đồng/kg nhưng cộng thêm phí vận chuyển về tới TP.HCM thì cũng tương đương với giá bí tại chợ đầu mối.
Sau khi gọt bỏ vỏ, ruột, tỷ lệ thịt bí dùng làm mứt chỉ còn khoảng 70% trọng lượng trái bí. Như vậy, 1 kg bí nguyên liệu làm mứt lên đến 5.000 - 6.000 đồng. Để làm ra 1 kg mứt bí cần khoảng 1 kg đường, giá đường bán lẻ (loại không bao bì, nhãn mác) hiện cũng là 16.000 đồng/kg, chưa kể tới những nguyên liệu khác và nhân công. Tính ra, giá thành sản xuất 1 kg mứt bí không dưới 20.000 đồng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, do dùng đường hóa học thay thế và một số loại hóa chất khác giúp rút ngắn quá trình sản xuất nên cơ sở của chị này mới có thể bán với giá "hời" nói trên. ThS Trần Thị Thu Trà (Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho biết: "Trước đây, chúng tôi từng phát hiện có cơ sở sử dụng chất tẩy trắng, cùng với nhiều loại hóa chất, hương liệu để tẩm ướp vào mứt. Công dụng của các loại hóa chất này là giúp cho thực phẩm giòn, dai, có màu sắc đẹp.
Một loại chất bảo quản (140 ngàn đồng/kg) trên bao bì in "made in Japan" nhưng toàn tiếng Nhật, không hề có nhãn phụ tiếng Việt ( thành phần hóa học, cách sử dụng?) |
Ví dụ, khi làm mứt dừa, cho một ít hàn the vào thì sợi dừa sẽ dai, không bị đứt gãy; cho vào mứt bí thì sẽ có độ giòn. Tương tự, đối với mứt khoai, người ta hay ngâm khoai vào nước có hòa chất tẩy trắng để tẩy nhựa ở củ khoai khiến cho khoai có màu đẹp hơn. Cũng do sử dụng hóa chất nên một số loại mứt như mứt mãng cầu, mứt me có thể để đến 6 tháng mà vẫn còn dẻo, không sợ bị mốc”.
Bà Phùng Thị Lan (BQL chợ Bình Tây) chia sẻ: "Riêng các loại mứt Tết bày bán trên thị trường hiện nay, tôi có thể khẳng định chắc chắn là có khá nhiều hàng Trung Quốc trôi nổi. Các loại mứt Trung Quốc nhìn bằng mắt thường rất đẹp, màu sắc tươi sáng, bắt mắt, có độ giòn là do sử dụng "tốt" hóa chất bảo quản. Trong khi đó, mứt làm thủ công theo truyền thống, như mứt bí chẳng hạn, thường có màu sắc xấu hơn do người ta phải chọn quả già ngâm qua nước vôi trong rồi phơi cả tháng nên có lớp đường mỏng và bản không to".
Theo ThS Trà, khi sử dụng các loại mứt không đảm bảo chất lượng sẽ đưa đến hậu quả khó lường. "Nhẹ nhất là đau bụng đi ngoài. Nặng hơn là ói mửa, tím tái, phải cấp cứu. Và nguy hiểm hơn nữa là khi sử dụng phải các loại mứt có chất phụ gia thực phẩm độc hại lâu dài sẽ làm suy tim, suy thận..", ThS Trà nói.
+ "Các loại đường hóa học, phẩm màu công nghiệp, chất tẩy trắng, chất tạo giòn... là những hóa chất không thể thiếu trong "công nghệ sản xuất" mứt của một số hộ gia đình, cơ sở nhỏ lẻ hiện nay. Trong đó, đặc điểm nhận diện phẩm màu công nghiệp là nếu dính vào tay sẽ không rửa ra ngay được, trong khi màu thực phẩm dễ dàng tan và trôi theo nước."- ThS Trần Thị Thu Trà.
+ "Theo tôi biết, mứt bí, gừng, mãng cầu, me, dừa... đều ít nhiều dùng phẩm màu giá rẻ để tạo màu và hóa chất dùng tẩy trắng. Trong đó, chất tẩy trắng nguyên liệu chế biến mứt dù sử dụng hàm lượng nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm bị mốc xanh, mốc đỏ luôn chứa ký sinh trùng gây bệnh, dễ có nguy cơ gây bệnh đau đường ruột cho người sử dụng, nếu nặng có thể gây ngộ độc." - BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM.
Theo Nông nghiệp Việt Nam