Hành lang pháp lý cho MV dung tục nói riêng và sản phẩm văn hóa nói chung đã có. Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Điều 13 đưa ra mức xử phạt cụ thể đối với từng loại vi phạm quy định về lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể, khoản 3 điều này quy định mức phạt đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh rất rộng. MV dung tục, phản cảm có thể được nhận định là loại nội dung trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, thậm chí là tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội.

Điều luật cũng nêu rõ ngoài phạt tiền, chủ thể còn có thể phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả khác như: buộc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được; và buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

Luật đã có, việc chấn chỉnh thực trạng sản phẩm âm nhạc dung tục cần sự chung tay của rất nhiều bên: nhà đài, hội âm nhạc, trường học, bậc cha mẹ,... và chính người thụ hưởng văn hóa phẩm. 

PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Trưởng Ban kiểm tra Hội Âm nhạc Hà Nội nói: "Các đạo diễn, bộ phận kiểm duyệt của đài truyền hình đã thực sự làm đúng trách nhiệm của mình chưa? Việc để lọt những tiết mục phản cảm lên truyền hình khiến các em nhỏ nhìn vào, học theo là lỗi của nhà đài".

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng khâu kiểm duyệt các chương trình truyền hình hiện chưa chặt chẽ, thậm chí là có phần dễ dãi. "Sự dễ dãi trong khâu kiểm duyệt chương trình, gameshow truyền hình kéo theo các sản phẩm dung tục được cổ xúy, lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến sự nhận thức lệch lạc của giới trẻ về quy chuẩn về văn hoá, nghệ thuật.

Nếu không cảnh báo, khán giả trẻ dần dà sẽ xem điều đó là tự nhiên, bình thường, các nghệ sĩ cũng sẽ phóng túng hơn trong những tác phẩm sau này. Khi đó, họ sẽ nghĩ nếu có thể làm, được khán thích thì sao lại không làm? Và điều này leo thang sẽ dẫn đến hậu quả gì?", anh đặt vấn đề.

Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh trong việc làm sạch âm nhạc Việt, vai trò của các cơ quan quản lý lĩnh vực văn hoá, nhà đài và báo chí rất quan trọng. 

Thực tiễn, trọng tâm của lời giải cho bài toán chấn chỉnh các sản phẩm dung tục, phản cảm nằm ở phía đối tượng thụ hưởng là khán giả. Trước hết, phản ứng của công luận là nguồn thông tin để cơ quan quản lý nắm được thực tiễn đời sống văn hóa, giải trí trong nước đang diễn ra thế nào; đồng thời là một trong những tiêu chí để họ đánh giá những vụ việc phát sinh.

Đối với những sản phẩm dung tục, khán giả Việt cần có thái độ kiên quyết, lựa chọn ứng xử phù hợp và thực hiện chúng triệt để. 

Quan sát thị trường 15 năm, BTV Diệu Minh (Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM) cho rằng khán giả Việt chưa thực sự tẩy chay đến nơi đến chốn những sản phẩm dung tục, phản cảm. "Một phần do tâm lý dễ tha thứ, một phần là họ luôn tò mò, bị thu hút bởi scandal. Theo tôi, cách tẩy chay hiệu quả nhất với loại sản phẩm này là sự thờ ơ của khán giả và sự im lặng của truyền thông", chị cho hay.

Góc độ khán giả, chị Phạm Thị Thanh Hòa (sinh năm 1988, TP.HCM) nói trong môi trường số hiện tại, sản phẩm âm nhạc có thể được phát hành mỗi ngày. Vì vậy, rất khó phân biệt sản phẩm rác nếu khán giả không ấn vào xem thử. 

"Không phải cứ ấn vào sản phẩm đã tính 1 view mà bạn phải xem hết với mức âm lượng trên 50%. Vì vậy, bạn có quyền nghe xem một đoạn để nhận diện sản phẩm rác rồi tắt đi. Nghe xem và lọc sản phẩm rác nhưng không đóng góp thành tích số cho nghệ sĩ là ý thức của người xem", chị cho hay.

Theo khán giả này, hơn ai hết khán giả nâng cao nhận thức, trình độ và thẩm mỹ cũng là nâng cao khả năng chọn lọc và tẩy chay của mình. Nhận thức và thẩm mỹ càng cao, khán giả càng ý thức tôn trọng công sức sáng tạo, chọn sản phẩm văn hóa phù hợp và bài xích triệt để sản phẩm "rác".

Mặt khác, họ cũng sẽ ý thức hơn trong việc xây dựng và định hướng thẩm mỹ cho con cái. PGS.TS Nguyễn Lân Cường tin rằng, sự phối hợp của cha mẹ và nhà trường là "chấn chỉnh, bảo vệ từ gốc" trẻ em và người chưa thành niên trước những sản phẩm âm nhạc tục tĩu.

"Cha mẹ phải kiểm soát việc con mình nghe, xem gì mỗi ngày. Nhà trường phải xem lại việc để các em nhỏ hát nhạc người lớn, yêu đương nhố nhăng ngay chính không gian giáo dục", ông nêu quan điểm. 

Nhạc sĩ Quốc Bảo cho hay bất cứ thời nào, môi trường âm nhạc cũng có những sản phẩm dung tục. "Cái gì dung tục đều ảnh hưởng xấu đến giới trẻ. Cách duy nhất là cha mẹ kiểm duyệt trước và ngăn cản kịp thời khi con cái xem video", anh nói.  

Trích đoạn MV 'Mời anh vào team em' của Chi Pu

Bài 3: Đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn lo ngại về các MV dung tục