Theo AP, xơ dừa được làm từ các sợi xơ của gáo dừa, có thể kéo thành chiếu hoặc thành khúc và đan với nhau thành lưới. Ở các quốc gia đang phát triển, xơ dừa có thể kết hợp với lưới đánh cá bị loại bỏ hoặc bị rách. Nhờ tính linh hoạt này, xơ dừa có thể được giữ cố định bằng cọc gỗ để phù hợp với các khu vực bờ biển không bằng phẳng.

Dừa được xem là nguyên liệu tiết kiệm, có sẵn, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên vật liệu này đang dần phổ biến hơn ở các quốc gia phát triển khi tìm kiếm các vật liệu tự nhiên thay vì các rào chắn cứng như gỗ, thép, bê tông.  

Những khúc xơ dừa nằm trên bờ sông Shark ở Neptune, New Jersey. Ảnh: AP

Dự án đang được lắp đặt dọc theo một đoạn bờ sông bị xói mòn ở Neptune, New Jersey, do nhóm bảo tồn bờ biển American Littoral Society thực hiện với chi phí 1,3 triệu USD lấy từ trợ cấp liên bang và quỹ địa phương. Dự án được đánh giá là đã cải thiện tình trạng xói mòn nghiêm trọng của bờ biển trong khu vực do Siêu bão Sandy gây ra vào năm 2012. 

Tim Dillingham, giám đốc điều hành dự án cho biết khi che chắn bờ biển việc giảm sức mạnh của sóng là điều cần thiết và bất cứ khi nào có thể, họ luôn mong muốn tận dụng giải pháp từ thiên nhiên. 

Điểm đặc biệt ở dự án này là hạt giống của các loại cây cỏ ven biển sẽ được gieo sẵn hoặc đặt trong các lỗ được đục của khúc xơ dừa. Nhờ vậy những hạt giống này được cố định để bén rễ và phát triển, tạo nên thảm thực vật thủy sinh xung quanh xơ dừa để ổn định bờ biển. 

Một khúc xơ dừa sông Shark cách bờ biển khoảng 1,5km. Ảnh: AP

Trước đó, vào năm 2018, các nhà khoa học từ Chương trình Hải dương học của Viện Công nghệ Bandung đã sử dụng vỏ trấu để xây dựng bức tường biển ở làng Karangjadadri, thị trấn Pangandaran, Indonesia

Tuy nhiên, vì là vật liệu thiên nhiên nên xơ dừa và trấu vẫn bị hư hại bởi thời tiết do gió thổi và sức mạnh của sóng. 

Hoài Thanh