Mặc dù 'người thổi còi' Edward Snowden hiện đang mắc kẹt ở sân bay Moscow, nhưng những tài liệu mật của chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ vẫn liên tục được công bố.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tài liệu về chương trình nghe lén Dropmire do Edward Snowden cung cấp. Ảnh: Guardian

Một trong những thông tin gây sốc nhất là Mỹ đang nghe trộm các đồng minh châu Âu của mình với 38 mục tiêu, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Pháp và Italy. Đức cáo buộc Washington sử dụng các chiến thuật thời chiến tranh lạnh.

Theo tài liệu mà Edward Snowden nhờ người công bố, tình báo Mỹ đang do thám cơ quan EU tại New York và sứ quán EU tại Washington.

Tài liệu này cũng mô tả chi tiết các biện pháp do thám được sử dụng để nhằm vào từng mục tiêu, từ các máy nghe lén gắn trong các thiết bị liên lạc điện tử cho tới các công cụ gắn vào cáp để thu thập dữ liệu chuyển tải bằng loại ăng-ten đặc biệt.

Các mục tiêu của tình báo Mỹ không chỉ có nhằm vào đối thủ truyền thống về mặt ý thức hệ và nhạy cảm ở Trung Đông, mà còn có cả các cơ quan EU, sứ quán Pháp, Italy, Hy Lạp cũng như một loạt quốc gia đồng minh của Mỹ - bao gồm Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tài liệu vụ 9/11 không đề cập tới Anh, Đức và các quốc gia châu Âu khác trong các mục tiêu của Mỹ.

Một trong những phương pháp được đề cập tới có mật hiệu là Dropmire. Theo tài liệu năm 2007, Dropmire được 'cấy trong Cryptofax tại sứ quán EU tại Washington DC" - đây có vẻ như là một loại thiết bị nghe lén được đặt ở máy fax sử dụng tại văn phòng này của EU. Tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho lưu ý rằng chiếc máy fax này dùng để gửi các tài liệu trở lại các bộ ngoại giao ở thủ đô các nước thuộc EU.

Tài liệu này cho rằng mục đích của các hoạt động nghe lén này là nhằm thu thập thông tin về các bất đồng trong chính sách đối với các vấn đề toàn cầu và những rạn nứt giữa các quốc gia thành viên EU.

Những tiết lộ này được công bố vào đúng lúc nhiều quốc gia EU đang rất giận dữ trước những bằng chứng mà Edward Snowden công bố trước đó về việc Mỹ nghe lén các quốc gia đồng minh châu Âu.

Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger đã yêu cầu lời giải thích từ Washington. Bà bộ trưởng nói rằng nếu các chứng cứ này được xác thực, thì hành vi của Mỹ "làm người ta nhớ lại các hành động của những kẻ thù với nhau trong suốt cuộc chiến tranh lạnh".

Đức được cho là quốc gia đồng minh bị Mỹ nghe lén nhiều nhất với nửa tỉ cuộc gọi, email và tin nhắn bị đọc và nghe trộm. Một tờ tạp chí của Đức cho biết Đức là mục tiêu được Mỹ 'xếp ngang với Trung Quốc'.

Tạp chí Tấm Gương của Đức đưa tin về một số hoạt động nghe lén ở Brussels nhằm vào tòa nhà Justus Lipsius của EU - một địa điểm tiến hành các cuộc hội nghị và họp cấp bộ trưởng tại thủ đô của Bỉ và cách trụ sở của NATO không xa.

Tình báo Mỹ còn đặt mật hiệu cho một chiến dịch nghe lén khác nhằm vào cơ quan của EU tại Liên Hợp Quốc là "Perdido".

Mật hiệu cho chương trình nghe lén của Mỹ đối với đại diện của Pháp tại Liên Hợp Quốc là "Blackfoot" và một chương trìn khác nhằm vào sứ quán Pháp tại Washington là "Wabash". NSA đặt tên cho chương trình nghe lén sứ quán Italy là "Bruneau" và "Hemlock".

Chương trình nghe lén cơ quan của Hy Lạp tại LHQ là "Powell" và sứ quán nước này tại Mỹ là "Klondyke".

Mặc dù tài liệu do Snowden tiết lộ là một phần trong số dữ liệu thu thập được từ NSA, nhưng hiện vẫn chưa rõ là toàn bộ chương trình do thám này do NSA thực hiện hay là có sự tham gia của FBI và CIA hay là tất cả cùng tham gia.

Lê Thu (theo Guardian/RT/Asia One)