Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã kêu gọi cấm ngay lập tức các nhà sản xuất pin CATL và Gotion High-Tech của Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp cáo buộc rằng các công ty sản xuất pin này đã sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất chuỗi cung ứng bao gồm cả pin cho xe điện.
CATL (Contemporary Amperex Technology) là nhà sản xuất ắc quy hàng đầu thế giới và là đối tác lớn của thương hiệu sản xuất ô tô Ford. Họ đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất ô tô trong suốt thời gian qua, bao gồm BMW, Honda, Tesla và Hyundai. Công nghệ của CATL dự kiến sẽ được sử dụng trong nhà máy sản xuất pin trị giá 3,5 tỷ USD mà Blue Oval đã lên kế hoạch ở Michigan-Mỹ. Trong khi đó, công ty Gotion High-Tech là nhà sản xuất pin Trung Quốc thuộc sở hữu một phần của Tập đoàn Volkswagen.
Theo Tạp chí Wall street Journal đưa tin rằng các cuộc gặp gỡ đã diễn ra giữa Hạ nghị sĩ John Moolenaar, người đứng đầu Ủy ban Lựa chọn Hạ viện của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hạ nghị sĩ Mark Green, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, và một số nhà chức trách khác.
Các nhà lập pháp đã yêu cầu bổ sung thêm nhà sản xuất pin CATL và Gotion vào danh sách thực thể. Danh sách này chỉ định các doanh nghiệp mà Mỹ tin rằng có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm người thiểu số khác. Người ta cáo buộc rằng các nhà sản xuất pin có liên kết với Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương. Công ty này bị cáo buộc là tổ chức bán quân sự ở Tân Cương và đã bị xử phạt.
Nếu công ty CATL và Gotion được thêm vào danh sách cấm chính thức, đây sẽ là một đòn giáng nữa vào nguyện vọng của họ trong mối quan hệ đối tác giữa CATL và Ford của Mỹ vốn đã gây tranh cãi. Nỗ lực cấp phép công nghệ cho nhà sản xuất ô tô Mỹ của họ đã vấp phải sự giám sát chặt chẽ từ cả các quan chức Trung Quốc và Hạ viện Hoa Kỳ.
Công ty Gotion cũng đã lên kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Michigan-Mỹ, nhưng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ khiến dự án này cũng phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ.
Một người phát ngôn đã trả lời Wall Street Journal rằng “Bất kỳ ý kiến nào cho rằng công ty CATL đã sử dụng lao động cưỡng bức hoặc có bất kỳ mối liên hệ nào với lao động cưỡng bức, đều hoàn toàn sai sự thật”. Công ty Gotion cũng đưa ra bình luận tương tự khi trao đổi với Reuters, họ cho rằng các cáo buộc này là "vô căn cứ và hoàn toàn sai sự thật".
Theo PLO
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!