Cuộc tranh cãi tại phòng Bầu dục giữa Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm nay (5/3) sẽ bị chi phối bởi cái mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld gọi là "ai cũng biết thứ không biết là cái gì".


Thử bom MOP

Trong cuộc hội đàm hôm nay, điểm đáng chú ý nhất trong chương trình nghị sự là: Liệu Mỹ hoặc Israel có vũ khí nào để có thể vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân vững chắc của Iran không, một số cơ sở nằm sâu trong núi.

Mỹ cho rằng họ có đủ vũ khí cần thiết còn Israel thì không. Israel sợ rằng Mỹ đã đúng.

Mỹ hiện có siêu bom MOP - loại bom gần 14.000 kg có khả năng xuyên phá boongke dưới lòng đất mà Mỹ đã phát triển để dùng chống lại Iraq những năm 1990. Dù một quả bom MOP không thể phá hủy hoàn toàn một cơ sở vững chắc của Iran, thì Mỹ có thể thả hết loạt bom MOP này đến loạt bom MOP khác, đủ để vô hiệu hóa một cơ sở hạt nhân của Iran nếu không thể phá hủy hoàn toàn.

Đây là khả năng mà Israel không thể theo kịp Mỹ.

Trên các phương tiện truyền thông Israel hiện có nhiều thông tin rằng Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Ehud Barak đã nhận thức được những thiếu hụt trong kho vũ khí của Israel đối với việc tấn công Iran và đã yêu cầu Tổng thống Mỹ lúc đó là George W.Bush cung cấp cho nước này một số siêu bom MOP vào năm 2008. Tuy nhiên, đề xuất đã bị từ chối.

Tướng Norton Schwartz, tham mưu trưởng Không quân Mỹ đã đề cập tới MOP hồi tuần trước, "chúng tôi có khả năng hành động và các bạn sẽ không muốn có mặt ở đó khi chúng tôi sử dụng nó. Đó là chưa nói tới việc chúng tôi vẫn đang tiếp tục cải tiến vũ khí", Schwartz nói với các phóng viên quốc phòng. Không quân Mỹ hiện dành ra 81 triệu USD trong ngân sách quốc phòng để làm bom MOP mạnh hơn.

"Điểm mấu chốt là chúng ta có khả năng nhưng không chỉ dừng ở đó mà luôn cải tiến nó", tướng Schwartz nói.

Siêu bom MOP của Mỹ đã lấn át hoàn toàn bom "Deep Throat" của Israel. "Deep Throat" là biệt danh của loại bom dẫn đường GBU-28, có khả năng phá boongke, loạt bom tối ưu nhất của Israel để chống lại các cơ sở hạt nhân Iran.

Năm 2005, Mỹ bán cho Israel 100 quả GBU-28, loại bom này có thể dùng để thả từ máy bay chiến đấu F-15 - máy bay trong kho vũ khí của Israel.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ GBU-28 có hữu hiệu trong việc công phá các mục tiêu ngầm của Iran hay không, hay chỉ khiến chúng hư hại nhỏ

Một số cơ sở hạt nhân của Iran, đặc biệt là nhà máy làm giàu uranium tại Fordow - gần thành phố linh thiêng Qom, được cho là nằm sâu dưới đất 60m.

Các nhà phân tích quốc phòng cảnh báo, các cơ sở hạt nhân của Iran đều được bảo vệ bằng bê tông chịu lực. Người Iran đã tìm ra một cách bơm bê tông với bột thạch anh và những vật liệu khác khiến cho các cơ sở của họ có khả năng chống lại sức tấn công của bom.

Israel hiện có thể không còn cơ hội nào khác mà phải chống lại mối đe dọa hiện hữu từ phía Iran, quốc gia được vũ trang bằng hạt nhân.

  • Hoài Linh (Theo Politico)