Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khẳng định, các lực lượng vũ trang Mỹ ở Thái Bình Dương là rất cần thiết để kiềm chế quân đội Trung Quốc.
Ông Gates phát biểu như vậy ở Nhật Bản trong khi chỉ còn vài ngày nữa, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ có chuyến thăm Mỹ. Ngoài vấn đề quân sự, những bất đồng thương mại cũng là tâm điểm cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lo ngại sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc có thể là thách thức khả năng
của các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương. Ảnh: AP
Ông Gates đang ở thăm Nhật Bản sau khi tới Trung Quốc. Trong một bài phát biểu, ông cho rằng, sự tiến bộ của quân đội Trung Quốc có thể là thách thức khả năng của các lực lượng Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương.
Ông Gates nhấn mạnh không coi Trung Quốc là “đối thủ chiến lược”, đồng thời nói đến tầm quan trọng của quan hệ quân sự Mỹ và Nhật - nơi có 49.000 lính Mỹ đóng quân.
Không có sự hiện diện của quân Mỹ ở Nhật Bản, Trung Quốc “có thể quả quyết hơn với các nước láng giềng”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định. Ông Gates dẫn cuộc tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc năm ngoái, gọi đó là ví dụ giải thích vì sao liên minh Mỹ - Nhật là rất quan trọng.
Lời cảnh báo của ông chủ Lầu Năm Góc xuất hiện vài ngày sau khi Trung Quốc tiến hành bay thử máy bay tàng hình đầu tiên, vào đúng dịp ông tới Bắc Kinh với nỗ lực khôi phục quan hệ quân sự Trung - Mỹ. Kế hoạch phát triển tàu sân bay, tên lửa chống vệ tinh và những hệ thống tiên tiến khác của Trung Quốc đã rung hồi chuông báo động trong khu vực cũng như với Mỹ - nước chiếm ưu thế về quân sự tại Thái Bình Dương.
"Những câu hỏi về mục tiêu và chương trình hiện đại hoá quân sự không minh bạch của Trung Quốc là nguồn phát sinh lo lắng với các nước láng giềng”, ông Gates nói với các sinh viên Nhật tại Tokyo. "Có nhiều hoài nghi về vai trò ngày một lớn của Trung Quốc trong khu vực khi họ chứng tỏ sự quả quyết của mình ở những cuộc tranh cãi lãnh thổ, gần đây nhất là vụ việc xảy ra tháng 9 gần quần đảo Senkaku”, ông Gates nhấn mạnh.
Cả Trung Quốc và Nhật đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo này. Trung Quốc gọi đây là quần đảo Điếu Ngư.
Trong khi tin tức về loại máy bay tàng hình đầu tiên của Trung Quốc thu hút sự chú ý trong tuần, thì nhiều cường quốc nước ngoài còn lo ngại hơn về tốc độ gia tăng xây dựng hải quân của nước này, đặc biệt là lúc Trung Quốc có những tranh cãi về biên giới hàng hải với nhiều nước láng giềng.
Tại Trung Quốc, một số nhà bình luận cho rằng, quan hệ quân sự với Mỹ vẫn còn phủ bóng bởi lòng ngờ vực. "Với những lợi ích không thể hoà giải, khó có thể bỏ qua những bất đồng trong chính sách và điều này hạn chế một mối quan hệ tốt”, Ngô Tân Ba, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu.
"Ngày nay, Trung Quốc thất vọng, không hài lòng về những chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong năm thứ hai cầm quyền của Obama. Trung Quốc lo ngại đây chính là dấu hiệu thay đổi hiện tại hoặc ở tương lai trong chính sách và chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc".
Tuy vậy, vấn đề quân sự không phải là duy nhất. Tới Washington, ông Hồ Cẩm Đào sẽ đối mặt với những câu hỏi khó về các chính sách kinh tế của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke hôm qua cho rằng, Trung Quốc thường không giữ lời hứa trong việc mở cửa thị trường, đồng thời kêu gọi một “mối quan hệ thương mại công bằng hơn”.
Trước đó, Bộ trưởng Ngân khố Timothy Geithner đã có bài phát biểu thúc giục Bắc Kinh tiến nhanh hơn trong nỗ lực nâng giá đồng nhân dân tệ, dỡ bỏ những rào cản thương mại khác và xem xét lại các chính sách khiến thị trường Trung Quốc thiên về các công ty trong nước.
Rất nhiều nghị sĩ Mỹ chỉ trích chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Họ cho rằng việc nước này giữ tỉ giá đồng bản tệ ở mức thấp đã giúp cho các công ty nội địa có lợi thế giá bất công bằng. Những con số đưa ra hôm qua cho thấy, thâm hụt thương mại Mỹ với Trung Quốc đạt 252 tỉ USD trong 11 tháng đầu 2010.
-
Thái An (Theo AP, Reuters)