Thành công của Snowden đã vượt quá những gì anh và những nhà báo tưởng tượng. Những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo CIA và nhà thầu Cơ quan An ninh Mỹ (NSA) đã làm rung chuyển toàn nước Mỹ từ ngày đầu tiên và sau đó bùng nổ trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, tổ chức tình báo bác bỏ mọi cáo buộc, biện minh chương trình đúng Hiến pháp, chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Tư pháp. Theo họ, sự bí mật là điều cơ bản để đáp ứng mục tiêu bảo vệ dân chúng trước nguy cơ tấn công khủng bố.

Cuộc tranh luận lan rộng khắp các múi giờ: từ Mỹ, Mỹ Latinh tới châu Âu và châu Á. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải hủy chuyến thăm Mátxcơva (Nga) để phản đối việc Tổng thống Nga Vladimir Putin bảo vệ Snowden. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước đến Thủ đô Washington vì Mỹ theo dõi bà. Máy bay đưa Tổng thống Bolivia Evo Morales từ Nga về quê nhà buộc phải hạ cánh tại Vienna (Áo) vì nghi ngờ chuyên chở Snowden ra khỏi Nga.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cáo buộc Mỹ giám sát điện thoại của mình, dẫn tới cuộc bàn luận sôi nổi khiến Nhà Trắng phải thừa nhận cần hạn chế hoạt động của NSA. Trong khi đó, tại Anh, Thủ tướng David Cameron lại quy cho The Guardian – tờ báo đầu tiên công khai tài liệu mật của Edward Snowden – tội làm tổn tại đến an ninh quốc gia. Theo tài liệu của Snowden, tình báo Anh (GCHQ) cũng có chương trình Tempora thu thập thông tin điện thoại và Internet bằng cách xâm nhập vào các đường cáp quang. GCHQ chia sẻ phần lớn dữ liệu với NSA.

Các công ty Internet Mỹ, một thành phần trong chương trình giám sát PRISM của NSA, lo sợ sự phản đối rộng khắp của người dùng cũng nhanh chóng lên tiếng mình bị ép làm theo luật. Tài liệu của Snowden chỉ rõ chỉ riêng PRISM đã đóng góp phần lớn cho báo cáo tình báo của NSA. Với PRISM, NSA xem và lưu được dữ liệu của Google, Facebook, Apple, Yahoo... Thậm chí, tổ chức này còn được quyền “truy cập thẳng” vào máy chủ các hãng nói trên. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2010, lần lượt Yahoo, Microsoft, Google bị NSA can dự nhiều nhất. Cả ba “ông lớn” đang đấu tranh trên tòa án để được phép công bố chi tiết hơn về lượng yêu cầu dữ liệu họ nhận được từ cơ quan tình báo Mỹ.

Có thể nói, chương trình của NSA không chỉ vi phạm quyền riêng tư mỗi cá nhân mà còn đe dọa tới danh tiếng của phần lớn công ty viễn thông và Internet Mỹ.

NSA vi phạm Hiến pháp Mỹ

Dù NSA cho rằng công chúng không phải lo sợ vì “nếu không có gì che giấu, không việc gì phải sợ hãi”, các tổ chức tự do dân sự như Electronic Frontier Foundation và American Civil Liberties Union cảnh báo chương trình đã vượt quá những gì Quốc hội dự định và Hiến pháp Mỹ cho phép. Mới đây, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mark Udall chỉ trích việc tập hợp các bản ghi điện thoại của người Mỹ “xung đột với quyền riêng tư trong Hiến pháp Mỹ”.

Theo tiết lộ của The Guardian, hãng viễn thông Verizon phải cung cấp thông tin mọi cuộc gọi trong hệ thống của hàng triệu công dân Mỹ cho NSA theo lệnh của tòa án tối mật dù họ có làm gì sai trái hay không. Số lượng mục tiêu của NSA có lẽ không thể đếm xuể. Người dùng điện thoại, máy tính không cần trực tiếp nói chuyện với nghi phạm khủng bố mà vẫn bị theo dõi nếu là “bạn của bạn của bạn của một ai đó”.

Đối diện với mối lo ngại lớn dần về lượng dữ liệu thu thập, NSA tìm cách trấn an khi nhận chỉ theo dõi tỉ lệ vô cùng nhỏ trong lưu lượng Internet. Song, thực tế hoàn toàn ngược lại. Thư viện Quốc hội, một trong những thư viện lớn nhất thế giới, gom 5TB dữ liệu mỗi tháng, còn NSA thu về gấp nhiều lần. Theo NSA, họ cần tất cả dữ liệu này để ngăn chặn một cuộc khủng bố khác tương tự vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Snowden nhận thức rõ giá trị của NSA trong công cuộc chống khủng bố, song cho rằng cơ quan tình báo đã vượt quá quyền hạn của mình. Anh đang trốn chạy khỏi luật pháp Mỹ và lưu vong ở Nga. Cuộc tranh luận anh muốn khi quyết định trở thành “kẻ tố giác nước Mỹ” đã và đang diễn ra. Bản thân cuộc tranh luận đã là một thành tựu lớn.

Không chỉ các tổ chức dân quyền lên tiếng, thung lũng Silicon cũng hợp lực đòi cải cách chương trình giám sát của NSA. Liên minh 8 hãng công nghệ kêu gọi 5 nguyên tắc: hạn chế thẩm quyền của nhà chức trách trong việc thu thập thông tin người dùng, có trách nhiệm giám sát và giải trình, minh bạch về yêu cầu của chính phủ, tôn trọng tự do thông tin, tránh xung đột giữa các chính phủ. Một ban cố vấn bao gồm các chuyên gia tình báo và pháp luật cũng khuyến nghị ông Obama hạn chế NSA, thay đổi cách NSA thu thập dữ liệu từ công dân Mỹ, theo dõi chính khách quốc tế.

Nếu ông Obama thông qua phần lớn lời gợi ý này, đây sẽ là lần đầu tiên NSA bị áp hạn chế quan trọng kể từ sau vụ 11/9. NSA phải có được phê chuẩn nhiều hơn từ tòa án, chịu giám sát chặt hơn từ Quốc hội và phải được Tổng thống cho phép nếu muốn gián điệp lãnh đạo các nước. NSA còn phải từ bỏ một trong những vũ khí mạnh nhất trong chiến tranh mạng: đó là khả năng thêm “cửa hậu” vào phần cứng, phần mềm để thực hiện các cuộc tấn công.

Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam Xuân Giáp Ngọ 2014