Cuộc đối đầu giữa các bên đứng đằng sau cuộc khủng hoảng tại Ukraina ngày càng gay gắt hơn sau khi Moscow buộc tội Mỹ xúi giục vụ việc. Washington đổ lỗi cho Nga đã làm rò rỉ đoạn ghi hình các quan chức ngoại giao Mỹ thảo luận việc hình thành nên một chính quyền mới tại Kiev.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Một người biểu tình ném cocktail Molotov trên phố Grushevskovo ở thủ đô Kiev. Ảnh: RIA |
Diễn biến tại Ukraina gợi lại những giọng điệu từ thời Chiến tranh Lạnh, khi một nhân vật ở Kremlin cảnh báo rằng Moscow có thể hành động để ngăn sự ‘can thiệp’ của Mỹ vào Kiev.
Về vụ băng ghi hình của quan chức ngoại giao Mỹ bị rò rỉ, người phát ngôn Nhà Trắng nói: “Kể từ khi đoạn video được chính quyền Nga lưu ý lần đầu tiên và phát tán trên mạng xã hội Twitter, tôi nghĩ rằng điều đó nói lên vai trò của nước Nga”.
Các quan chức Mỹ không có lời nào về tính xác thực của đoạn băng ghi lại cuộc trò chuyện qua điện thoại khoảng 12 ngày trước, trong đó có những phát ngôn của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland về các nỗ lực của Liên minh châu Âu để làm việc với Washington nhằm hỗ trợ cho phe đối lập ở Ukraina.
Trong đoạn băng ghi hình có phụ đề tiếng Nga trước ngày 27/1, bà Nuland và Đại sứ Mỹ Geoffrey Pyatt tại Ukraina về tình hình tại Kiev. Trong đó, hai người đồng ý với nhau rằng một nhân vật khác của phe đối lập tại Ukraina là cựu vô địch đấm bốc Vitaly Klitschko không nên tham gia vào nội các mới của Kiev.
“Tôi không nghĩ rằng Klitsch (Klitschko) nên có mặt trong nội các” – bà Nuland nói trong đoạn băng. “Tôi không cho rằng đó là một ý hay”.
Bà Nuland cũng thảo luận về việc một đại diện Liên Hợp Quốc ủng hộ cho một chính quyền mới tại Ukraina: “Nếu có sự giúp đỡ hàn gắn của Liên Hợp Quốc thì quá tốt và anh biết đấy… EU thật khốn kiếp”.
Pyatt đáp lại: “Chính xác. Và tôi nghĩ là chúng ta cần làm điều gì đó để gắn kết mọi việc và bà có thể chắc chắn là nếu điều này thực sự bắt đầu giành được ưu thế thì người Nga sẽ hành động ở hậu trường nhằm phá hoại chúng”.
Đoạn băng rò rỉ này đã dấy lên câu hỏi về các tiêu chuẩn an ninh trong các đoàn đại diện ngoại giao tại Kiev và khả năng Nga hoặc Ukraina nghe lén đường dây đối ngoại.
Các quan chức EU không đưa ra bình luận nào về cuộc hội thoại ‘có vẻ như bị rò rỉ’ này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Nuland đã gọi điện xin lỗi các quan chức EU vì phát ngôn trong đoạn băn này.
Cảnh báo từ Kremlin
Một nhân vật tại Kremlin là Sergei Glazyev đã buộc tội bà Nuland đã ‘hăm dọa tống tiền’ khi bà cảnh báo những người giàu, hầu hết là các nhà tài phiệt nói tiếng Nga, đang hậu thuẫn cho Tổng thống Ukraina Yanukovich rằng họ đang có nguy cơ mất các khối tài sản nước ngoài của mình nếu như không trao quyền lực cho phe đối lập.
Glazyev còn cáo buộc các đặc vụ của Mỹ đã trao ‘20 triệu USD trong một tuần’ cho ‘phe đối lập và những người nổi dậy’ và ‘trong sứ quán Mỹ đang có đợt tập huấn cho các tay súng’ được Washington vũ trang.
Tờ báo Kommersant của Ukraina hỏi ông Glazyev rằng liệu Nga có nên ‘chủ động can thiệp’.
Nhắc lại vụ Giác thư Budapest năm 1994 trong đó có điều khoản yêu cầu đưa vũ khí hạt nhân của Liên Xô khỏi Ukraina, ông Glazyev nói rằng: “Theo tài liệu này, Nga và Mỹ là những người bảo đảm cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina… và phải có nghĩa vụ can thiệp khi cuộc tình hình khủng hoảng leo thang”.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Yanukovich có nên sử dụng vũ lực để dẹp yên những người biểu tình không, ông Glazyev nói rằng: “Về việc bắt đầu sử dụng vũ lực, trong một tình huống mà các nhà chức trách đối mặt với một âm mưu đảo chính, họ đơn giản là chẳng còn đường lối hành động nào khác”.
Ông này cũng nói rằng Nga hiểu rằng đất nước [Ukraina] không nên bị chia rẽ. Nhưng Glazyev cho rằng một dạng thức chế độ liên bang được đưa vào sẽ mang lại quyền lực thực chất cho khu vực – xét về khía cạnh các vùng phía đông sẽ có liên hệ trong hiệp định chung về thuế quan với Nga, còn khu vực phía tây Ukraina sẽ có một thỏa thuận thương mại với châu Âu.
Ông Yanukovich đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Phe đối lập cho rằng Tổng thống Ukraina sẽ đề cử một trong số những nhân vật đồng minh cứng rắn để làm vừa lòng Nga sau khi Kremlin đã phong tỏa khoản viện trợ trước đó từng hứa hẹn.
Mặt khác, ông Yanukovich lại hứa hẹn với bà Nuland trước khi đi Sochi dự Thế vận hội rằng, ông muốn đối thoại chứ không phải bạo lực. “Chỉ thông qua đối thoại và thỏa hiệp, chúng ta mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”.
Mỹ và EU đã hối thúc ông Yanukovich hình thành nên một chính phủ đồng thuận với sự tham gia của phe đối lập và bắt tay vào các cuộc cải cách hiến pháp và kinh tế để từ đó mang lại khoản viện trợ tài chính và các hỗ trợ khác từ châu Âu cho quốc gia 46 triệu dân này.
Lê Thu (theo Reuters)