Mỹ phẩm giả hoạt động tinh vi trên mạng internet khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. Ảnh minh họa: IT. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17/2018 của Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, lực lượng công an, hải quan, quản lí thị trường… đã ngăn chặn, xử lý kịp thời nhiều hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, đến nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, trà trộn với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thông qua internet… nên rất khó phát hiện.
Với phương thức thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng kém chất lượng thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vẫn chưa được hoàn thiện (hiện chưa có Nghị định riêng về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử).
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính.
Các hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc.
Thậm chí các đối tượng kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam…
Thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền hiện nay rất đa dạng về chủng loại, nhiều mẫu mã và giá cả phong phú nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Theo cơ chế chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", doanh nghiệp tự công bố, đăng ký với cơ quan nhà nước về chất lượng sản phẩm, không vi phạm vào các thành phần cấm sản xuất thì được đưa sản phẩm ra thị trường nên không tránh khỏi việc nhiều đối tượng cố tình làm giả hàng hóa, nhất là với mặt hàng có lợi nhuận cao như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa phát huy tốt vai trò giám sát, phát hiện và tố giác vi phạm của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Theo Thế giới tiếp thị