Các thành viên chủ chốt của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 đã tỏ ra vô cùng giận dữ và đưa ra một loạt những lời đe dọa trừng phạt sau khi hiệp ước sáp nhập Crưm và Sevastopol vào Liên bang Nga được ký kết, hãng tin RT của Nga cho hay.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Ngoại trưởng Anh William Hague |
Không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên vào bản hiệp ước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố các lãnh đạo phương Tây sẽ họp nhóm vào tuần tới để quyết định hành động tiếp theo. Mỹ, Pháp, Đức và Anh là bốn trong số các thành viên G7 lên tiếng về thỏa thuận giữa Crưm và Nga.
"Cuộc họp sẽ tập trung vào tình hình tại Ukraina và các bước tiếp theo mà G7 sẽ thực hiện để đối phó với các diễn biến và để ủng hộ Ukraina," phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Caitlin Hayden nói trong một tuyên bố. "Chúng tôi sẽ không công nhận sự sáp nhập này," phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo.
Các lãnh đạo G7 đã hoãn chuẩn bị để tham dự hội nghị thượng đỉnh G8, vốn sẽ diễn ra tại Sochi vào tháng 6 tới vì những bất đồng về Ukraina.
Tại cuộc họp được tổ chức ở Warsaw giữa Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Estonia Toomas Ilves và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, ông Biden thông báo Nga sẽ chứng kiến "những biện pháp trừng phạt bổ sung" từ Mỹ và EU nếu quốc gia này tiếp tục "thôn tính" Crưm.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh "Pháp không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý... cũng như sự sáp nhập khu vực này của Ukraina vào Nga."
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tỏ ra ủng hộ những người đồng cấp châu Âu
của mình, đồng thời cáo buộc Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế thông qua việc
"thu nhận (Crưm) vào Liên bang Nga".
Phản ứng trước việc Crưm sáp nhập Nga, Ngoại trưởng William Hague cho biết Anh
đã ngừng hợp tác quân sự với Nga, đồng thời gọi cuộc trưng cầu dân ý của Crưm là
"một sự chiếm đất", hãng thông tấn Ria Novostiv của Nga đưa tin.
"Chúng tôi đã hủy các cuộc tập trận hải quân Pháp, Nga, Anh, Mỹ và ngừng chuyến thăm của tàu Hải quân Hoàng gia tới Nga," ông Hague nói trước Hạ viện.
Bán đảo Crưm với đa số người dân tộc Nga đã ký kết một hiệp ước hợp nhất với Moscow sau một cuộc trưng cầu dân ý với 96,7% người ủng hộ quay lại với Nga sau 60 năm là một phần của Ukraina.
"Thật đáng tiếc khi nghe Tổng thống Nga Putin hôm nay chọn lộ trình đơn độc, phủ nhận các công dân của chính đất nước ông ấy, và của Crưm, sự cộng tác với cộng đồng thế giới và thành viên đầy đủ của một loạt các tổ chức quốc tế," ông Hague nói thêm.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh đã miêu tả cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm, là "một sự nhạo báng của thực tiễn dân chủ."
Ông cũng gọi cuộc khủng hoảng tại Ukraina là "thử thách nguy hiểm nhất từ trước tới nay của an ninh châu Âu trong thế kỷ 21".
Không có gì "có thể bào chữa cho thực tế rằng đây là một sự xâm nhập vào một nhà nước có chủ quyền và lấy một phần lãnh thổ của họ mà không tôn trọng luật pháp của đất nước đó cũng như luật quốc tế," Ngoại trưởng Anh chỉ trích.
Sầm Hoa