Nếu lịch sử có bất kỳ chỉ dẫn nào thì các nhiệm kỳ 2 thường bị phá vỡ bởi một cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao. Rất dễ để thấy điều đó sẽ xảy ra như thế nào trong vòng 4 năm tới với vấn đề Iran hoặc Syria.

TIN BÀI KHÁC:


Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, có một khả năng khác biệt, rằng cuộc khủng hoảng lớn về chính sách ngoại giao tiếp theo sẽ diễn ra ở một nơi khác, có lẽ cách đó hàng nghìn dặm, trên vùng biển của châu Á, về một quần đảo không có người ở.

Mấy tháng nay, các lực lượng hải quân Trung Quốc và Nhật Bản đã đối đầu nhau trên biển Hoa Đông. Cả hai nước đều nhận chủ quyền đối với một quần đảo nhỏ bé mà người Nhật gọi là Senkaku còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Cuộc tranh chấp này dính dáng đến năng lượng - có những trữ lượng khí đốt tự nhiên dồi dào dưới lòng biển Hoa Đông - nhưng trên tất cả, chúng liên quan đến chính trị và lịch sử.

Vấn đề địa chính trị lớn nhất của châu Á là, hai cường quốc lớn của châu lục này - hai nền kinh tế và hai quân đội lớn nhất - có một mối quan hệ nhiều sóng gió.

Trung Quốc và Nhật Bản chưa bao giờ chiếm giữ vị thế quốc tế một cách ngang hàng. Một nước luôn trội hơn nước kia. Trong gần 500 năm trước, Trung Quốc là một bá chủ khu vực, và Nhật Bản chấp nhận vai trò của mình như một nước chư hầu. Điều đó đã thay đổi vào cuối thế kỷ 19, khi Nhật Bản trở thành nước châu Á đầu tiên hiện đại hóa nền kinh tế và xã hội, và "bắt kịp" với phương Tây.

Sau Cải cách Minh Trị, sức mạnh quân sự của Nhật Bản tăng cao, và vào năm 1895, nước này đánh bại Nhà Thanh Trung Quốc. Một trong những hậu quả của chiến tranh là Tokyo chính thức thôn tính quần đảo Senkaku, tuy nhiên, chủ quyền của những đảo này đã bị tranh chấp trong 40 năm qua với việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền về lịch sử còn Nhật quả quyết đó là lãnh thổ của họ. 

Trong vòng 2 tháng qua, cả hai nước đã hành động theo những cách mà có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát hướng về phía xung đột. Kết quả là những vụ chạm trán giữa các tàu của hai bên khi tuần tra vùng biển này, và một làn sóng biểu tình ở cả hai nước. Và đã có một số nỗ lực của cả hai chính phủ nhằm xoa dịu tình hình và hướng tới một giải pháp ngoại giao. 

Mỹ có liên quan bởi vì nước này bị ràng buộc bởi hiệp ước giúp đỡ Nhật Bản, và Washington xác nhận quần đảo Senkaku thuộc phạm vi hiệp ước này. Nói cách khác, nếu một trong những cuộc chạm trán hải quân đó diễn tiến ngoài ý muốn, và Trung Quốc - Nhật Bản lao vào một cuộc xung đột, thì Mỹ có thể tự thấy mình mắc kẹt giữa một cuộc chiến tranh ở châu Á. 

Điều đó nghe có vẻ cường điệu, nhưng căn cứ vào các mối quan hệ lạnh giá giữa Trung Quốc và Nhật Bản, có thể danh dự, lòng tự trọng, sự tính toán sai lầm và rủi ro sẽ dẫn Mỹ tới đó. Và nên nhớ, chúng ta đang ở giữa một sự chuyển đổi lãnh đạo lớn ở Trung Quốc, sự kiện còn quan trọng hơn cuộc bầu cử hồi đầu tháng ở Mỹ.

Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại và nước này cần một kiểu phát triển kinh tế mới, bài trừ tham nhũng, cải cách chính trị... Các nhà chức trách cũng sẽ phải tìm cách để Trung Quốc trỗi dậy mà không gây lo lắng cho các nước láng giềng - và đồng thời duy trì một mối quan hệ hợp tác với Mỹ. Nếu so sánh thì có vẻ như công việc của Tổng thống Obama sẽ dễ dàng hơn.

  • Thanh Hảo (Theo CNN)