Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un quyết liệt theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các đòn trừng phạt mới kèm theo nhiều đe dọa nhằm vào Bình Nhưỡng.
Ngày 22/9, Triều Tiên tiếp tục cảnh báo sẽ thử một quả bom nhiệt hạch, còn gọi là bom khinh khí hoặc bom H, ở Thái Bình Dương. Tới tấp động thái của các bên đã đẩy quan hệ Mỹ - Triều lên một mức căng thẳng mới.
Triều Tiên ngày nay tuy vẫn là một quốc gia khép kín nhưng đã có kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đủ sức bắn tới các đồng minh của Washington trong khu vực, thậm chí đe dọa cả đất Mỹ.
Trong khi đó, cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên là chưa từng có giữa lãnh đạo hai nước. Vậy mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ đi tới đâu? Giới phân tích cho rằng không thể dự đoán lãnh đạo hai nước sẽ làm gì.
Ảnh: USA Today |
USA Today vạch ra một số lựa chọn - từ nhẹ nhàng cho đến nguy hiểm – cho viễn cảnh quan hệ Mỹ - Triều.
Vẫn bế tắc
Theo chiều hướng này, Mỹ sẽ gây sức ép với Triều Tiên. Đáp trả, Bình Nhưỡng sẽ không ngừng thử tên lửa. Cuộc khẩu chiến giữa hai bên tiếp diễn, dẫn tới quan hệ song phương tiếp tục căng thẳng.
Mỹ và Triều Tiên vẫn duy trì liên lạc qua các kênh không chính thức. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng bất cứ cuộc đối thoại chính thức nào về giải giáp hạt nhân Triều Tiên đều khó xảy ra sớm.
Ông Kim Jong Un coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân như chiếc chìa khóa cho sự tồn vong của chế độ, và sẽ khó từ bỏ nếu không đạt được những nhượng bộ lớn.
"Triều Tiên sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình" - Sheila Miyoshi Jager, một giáo sư tại Đại học Oberlin, nhận định.
Về phần mình, Mỹ lo ngại việc ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên chẳng khác nào thưởng cho Bình Nhưỡng vì đã có hành vi đe dọa.
Tuy nhiên, đối thoại ở phía sau sân khấu có thể sẽ ngăn chặn được một sự tính toán sai lầm vốn dễ dẫn tới chiến tranh, đồng thời thăm dò được những lĩnh vực mà cả hai bên có thể sẵn sàng đàm phán thỏa thuận.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều
Một cách để đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán sẽ là một cuộc gặp chính thức giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim. Viễn cảnh này khó trở thành hiện thực sớm, vì cuộc khẩu chiến hiện nay giữa hai người đang rất căng thẳng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cũng không hẳn là không thể.
Hồi tháng 5, Tổng thống Trump từng nói ông "vinh dự" được gặp gỡ ông Kim trong "hoàn cảnh thích hợp". Đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, một cuộc gặp với người đứng đầu nước Mỹ sẽ là chiến thắng lớn, mang lại uy tín cho Bình Nhưỡng.
"Tôi nghĩ điều này sẽ xảy ra nhưng chúng ta vẫn chưa thể tiến gần tới nó vào lúc này", Cronin nói. "Ông Trump là người đủ thực tế để sắp xếp một cuộc gặp".
Hòa giải Hàn - Triều
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đắc cử dựa trên một cương lĩnh gắn với cam kết nỗ lực hòa giải với Triều Tiên. Tuy nhiên, những hành động bất thường của Kim Jong Un trong thời gian gần đây dường như đã làm giảm sự nhiệt tình của lãnh đạo Hàn Quốc với chủ trương này.
Dẫu vậy, chính quyền ông Moon Jae-in vẫn muốn mở một cuộc đối thoại với miền Bắc. Có một số chủ đề giúp dẫn đến liên lạc giữa hai bên, trong đó có việc cho phép các gia đình ly tán bởi cuộc chiến 1950-1953 gặp lại nhau.
Hiện vẫn chưa rõ chính quyền ông Trump có quan điểm như thế nào về các cuộc đối thoại như vậy.
Chiến tranh
Mỹ tuyên bố ngoại giao là phương cách được ưu tiên hơn để giải quyết khủng hoảng, nhưng phản ứng quân sự vẫn được dùng nếu các lựa chọn khác thất bại.
Thực tế, không có lựa chọn quân sự nào là tốt đẹp, thậm chí còn dẫn đến thảm họa.
Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và một quân đội gồm hơn 1 triệu lính thường trực cùng dàn hỏa pháo khổng lồ chĩa thẳng sang Seoul - thủ đô gồm 10 triệu dân của Hàn Quốc và nằm cách biên giới chỉ khoảng 50km.
Mọi tính toán sai lầm đều vô cùng nguy hiểm giữa bối cảnh khẩu chiến tiếp tục leo thang còn các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp diễn ra. Nếu giao tranh bùng nổ, hàng trăm nghìn người, có thể là hàng triệu người, sẽ phải bỏ mạng và đây là điều không một quốc gia nào muốn.
Thanh Hảo
Chiến cơ, máy bay ném bom Mỹ bay sát sạt Triều Tiên
Các máy bay ném bom B-1B Lancer được chiến đấu cơ F-15 hộ tống đã lượn sát bờ biển Triều Tiên.
Động đất ở Triều Tiên, nghi thử hạt nhân
Một vụ động đất vừa xảy ra ở Triều Tiên, nghi do một vụ nổ gây ra, theo cơ quan khảo sát địa chấn của Trung Quốc.
Trung Quốc thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên
Trung Quốc ngày 23/9 thông báo sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên và giới hạn xuất khẩu dầu mỏ sang quốc gia láng giềng từ năm sau.
Ông Trump 'sẽ hành động' nếu Triều Tiên thử bom H
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson ngày 22/9 cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ có hành động "thích hợp" nếu Triều Tiên thử một quả bom hạt nhân trên Thái Bình Dương như đã đe dọa.
Triều Tiên cảnh báo thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cảnh báo nước này có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch, còn gọi là bom khinh khí hoặc bom H, ở Thái Bình Dương.