Cuộc khủng hoảng Mỹ - Triều Tiên đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nó khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo trong nhiều phiên gần đây và tiếp tục sống trong nỗi lo sợ bao trùm.


Thế giới đỏ lửa

Thị trường chứng khoán thế giới đỏ lửa phiên thứ 3-4 liên tiếp với một đợt bán tháo tồi tệ nhất trong gần một năm qua. Căng thẳng không ngừng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên đã khiến chỉ số chứng khoán Kospi của Hàn Quốc tiếp tục giảm và nâng tổng mức mất điểm cả tuần lên gần 3%.

Theo Reuters, nỗi lo sợ đã thổi bay khoảng 1.000 tỷ USD giá trị cổ phiếu trên toàn thế giới chỉ trong một phiên thứ Sáu.

Các chỉ số chứng khoán châu Á khác cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Chỉ số Shanghai Composite của sàn Thượng Hải giảm 1,6%, HSI của sàn Hong Kong giảm hơn 2%... Tất cả các chỉ số chứng khoán chủ chốt ở châu Âu đều lao dốc.

{keywords}
Thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh.

Các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm mạnh 3 ngày liền sau khi liên tiếp ghi nhận kỷ lục cao trong các phiên trước đó. Giá cổ phiếu lao dốc khiến ông chủ Amazon - Jeff Bezos mất 2 tỷ USD và đánh rơi vị trí giàu thứ 2 thế giới cho ông trùm thời trang Tây Ban Nha - Amancio Ortega.

Theo tính toán của Bloomberg, 500 người giàu nhất mất hơn 40 tỷ USD. Đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates cũng mất gần 1 tỷ USD cho dù vẫn là người giàu nhất thế giới với 90 tỷ USD.

Giới đầu tư chứng khoán thế giới ồ ạt bán tháo cổ phiếu do lo ngại xung đột sẽ bùng phát giữa Mỹ và Triều Tiên. Cuộc đấu khẩu đã lên tới đỉnh điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald liên tục đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn.

Hôm 9/8, ông Trump cảnh báo Mỹ sẵn sàng trút "hỏa lực” và “sự thịnh nộ" “chưa từng ai chứng kiến” lên Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có các hành vi đe dọa sau khi Mỹ và Liên hiệp quốc áp lệnh trừng phạt lên Triều Tiên.

Ông Trump thậm chí còn tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rẳng các biện pháp quân sự với Triều Tiên đã "sẵn sàng”, (mục tiêu) đã “khóa” và (đạn) đã “lên nòng".

Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố sẽ hoàn tất kế hoạch tấn công đảo Guam của Mỹ và trình lên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào giữa tháng 8 tới. Đảo Guam nằm cách Bình Nhưỡng chỉ 4 giờ bay. Đây là lãnh thổ hải ngoại xa nhất của Mỹ và được xem là“tàu sân bay vĩnh viễn của quân đội Mỹ”, vô cùng quan trọng với quân đội Mỹ trong các hoạt động quân sự tại châu Á.

Trái ngược với TTCK, căng thẳng đã khiến vàng và một số đồng tiền an toàn như franc Thụy Sỹ và trái phiếu tăng vọt. Giá vàng thế giới tăng vọt lên mức cao nhất hơn 2 tháng và đang hướng dần tới ngưỡng 1.300 USD/ounce bất chấp đồng USD hồi phục. Đồng đồng franc Thụy Sỹ cũng ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất trong hơn một năm qua.

Lo sợ điều đáng sợ

Theo một số quỹ đầu tư, những cảnh báo cứng rắn và cuộc khẩu chiến giữa 2 bên đã lên tới mức mà các thị trường tài chính không thể phớt lờ. Áp lực bán trên các thị trường chứng khoán là rất lớn và có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

{keywords}
Mỹ và Triều Tiên căng thẳng.

Nỗi lo sợ cuộc khủng hoảng có thể dẫn tới một kết cục đáng sợ đang bao trùm các thị trường. Điều mà nhiều người lo ngại là những tính toán sai lầm có thể xảy ra ở vào một thời điểm rất nhạy cảm. Ông Donald Trump và nội các đang gặp rất nhiều rắc rối ở trong nước.

Những tuyên bố cứng rắng được đưa ra vào thời điểm các cuộc tập trận quân sự của Washington và đồng minh sắp diễn. Mỹ cũng đã có kế hoạch triển khai máy bay ném bom hạng nặng B1-B từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam tới Triều Tiên.

Trên thực tế, những cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên đã từng diễn ra, khốc liệt như hồi 2013. Tuy nhiên, xung đột đã không xảy ra. Nó chỉ dẫn tới một kết quả là: Washington lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cố định để sẵn sàng cho mọi tình huống tấn công.

Tuy nhiên, ở vào thời điểm hiện tại, sau những phát ngôn mà nhiều thành viên Quốc hội Mỹ coi là “tắc trách và nguy hiểm”, tình hình có thể đã khác đi rất nhiều. Vấn đề tín nhiệm của ông Trump cũng khiến nhiều người thực sự lo ngại. Và tất nhiên, một quyết định sai lầm sẽ dẫn tới những hậu quả vô cùng thảm khốc.

Mặc dù vậy, có rất nhiều chuyên gia cho rằng, kịch bản chiến tranh ít có khả năng xảy ra. Theo các nhà phân tích, các thị trường tài chính phản ứng tiêu cực là điều dễ hiểu. Nhưng có một thực tế là các thị trường chứng khoán, ngay cả của Hàn Quốc đều đã không giảm quá mạnh. Không có tình trạng bán tháo một chiều.

Trước đó vài tuần khi mà Triều Tiên liên tục thử tên lửa, các thị trường tài chính và hàng hoá, trong đó có chứng khoán và vàng đều đã “phớt lờ” những diễn biến căng thẳng.

Với những tuyên bố cứng rắn của Trung Quốc, động thái dịch chuyển quân sự của Nga sang vùng viễn Đông, cùng với sự thận trọng của Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều khả năng cuộc khủng hoảng sẽ được hóa giải thay cho một kết cục bi thảm.

Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, đang kêu gọi tất cả các bên giữ bình tĩnh. Bắc Kinh cũng lưu ý nếu Washington và Seoul định tấn công lật đổ chế độ ở Triều Tiên, thay đổi mô hình chính trị trên bán đảo, nước này sẽ đứng ra can thiệp.

Theo Reuters, xung đột quân sự ở vào thời điểm này rất nguy hiểm, có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân và gây thương vong khủng khiếp nhất kể từ Thế chiến II tới nay. Hậu quả của nó sẽ vượt xa cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 và sẽ nhấn chìm các thị trường tài chính thế giới.

V. Hà