Mỹ và Trung Quốc mới đây vừa đạt được những thỏa thuận mang tính bước ngoặt về cắt giảm thuế quan đối với các mặt hàng công nghệ, mở đường cho một thỏa thuận mang tính toàn cầu đầu tiên về tự do thương mại trong công nghệ thông tin, trong vòng gần 20 năm qua. Với người dùng, điều này đồng nghĩa với việc trong tương lai, họ có thể mua hàng công nghệ tại Mỹ, Trung Quốc, với mức giá rẻ hơn hiện nay. 

Được biết, những thỏa thuận giữa hai bên đã được thương thảo trong nhiều năm qua. Công bố ngày hôm nay là một tin vui cho mối quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia này vốn đang gặp những khó khăn nhất định. "Đây là tin vui cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác với nhau như thế nào để thúc đẩy cả chương trình nghị sự kinh tế song phương, và để hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương" - Trang Reuters dẫn lời đại diện thương mại Michael Froman, khi ông phát biểu bên lề tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh.

Với Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay, thỏa thuận này sẽ là có lợi cho nền kinh tế của họ, vốn đã bị "mất đà" trong 2014 này. Nó cũng phù hợp với chiến lược của chính phủ Trung Quốc: đưa nền kinh tế tăng chuỗi giá trị thay vì trở thành công xưởng giá rẻ của thế giới. 

Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc được Tổng thống Mỹ Obama công bố, sau các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc diễn ra bên lề Hội nghị APEC. Các thỏa thuận đạt được sẽ giúp mở rộng đáng kể việc xuất khẩu các hàng hóa sản xuất tại Mỹ sang các nước đang phát triển, bởi lúc này hàng hóa không còn bị áp thuế nặng như trước nữa. 

Ký kết giữa hai nước sẽ giúp miễn hoặc giảm đáng kể thuế cho 250 loại sản phẩm mới, chưa tính các sản phẩm trong "Thỏa thuận công nghệ thông tin" (Information Technology Agreement - ITA) năm 1996. Công bố ngày hôm nay giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cũng sẽ mở đường cho một thỏa thuận mang tính toàn cầu sẽ được thống nhất tại một hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào cuối năm nay. Tuy nhiên tất cả vẫn sẽ phải chờ những phát ngôn chính thức, khi mà các quốc gia khác như Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể gặp phải một số vướng mắc cần giải quyết. 

Thỏa thuận công nghệ thông tin - ITA năm 1996 có "độ phủ" khoảng 4000 tỷ USD/năm trong thương mại toàn cầu, tuy nhiên danh sách sản phẩm thì chưa một lần được mở rộng kể từ 1996.