Cuối năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã khiến những người yêu công nghệ hồi hộp khi tiết lộ: Những người có trách nhiệm đang có nhiều cuộc đàm phán tích cực, vận động và tìm cách thu hút dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam.
“Thu hút dây chuyền iPhone về Việt Nam” là điều nhiều người mong ngóng khi thương hiệu của “người khổng lồ” Apple có hấp lực rất lớn.
Theo dõi từng thông tin được hé lộ gần đây cho thấy, Apple đang có một bản kế hoạch nghiêm túc ở Việt Nam.
Apple có đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam thời gian tới? |
Tháng 5/2016, Công ty Apple Việt Nam được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh.
Đến năm 2018, một thông tin ít được đề cập: Apple thành lập pháp nhân thứ hai tại Hà Nội. Đó chính là văn phòng phụ trách hoạt động mua sắm của Apple tại Hà Nội.
Điều đáng chú ý, trên toàn thế giới Apple chỉ có 3 văn phòng, và văn phòng ở Việt Nam là một trong số đó.
Tháng 1/2019 bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số tập đoàn lớn nhất trên thế giới, trong đó có Tổng giám đốc Apple - Timcook.
Tại buổi tiếp CEO Apple Tim Cook, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Apple về “những thành công trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” thời gian qua. Ông cũng bày tỏ ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam.
Thủ tướng cũng mong muốn Apple tiếp tục đầu tư hiệu quả, minh bạch và lâu dài tại Việt Nam; là cầu nối cho doanh nghiệp Mỹ tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Nguồn tin của PV.VietNamNet cho hay, sau cuộc gặp đó, lãnh đạo cấp cao của Apple đã sang Việt Nam để làm việc với hàng loạt bộ ngành về kế hoạch ở Việt Nam. Nhiều chính sách đã được Apple đề đạt lên các cơ quan của Việt Nam.
Theo tìm hiểu, cuối tháng 3/2019, Apple đã khai trương văn phòng điều hành để quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trở lại với lời tiết lộ của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc là một nhà cung ứng lớn của Apple “muốn đưa dây chuyền sản xuất iPhone về Việt Nam”. Điều này có thể hiểu thế nào?
Thực tế, hoạt động của Apple có điểm rất khác với hoạt động của “đối thủ” là Samsung. Nếu Samsung trực tiếp vận hành các nhà máy sản xuất, lắp ráp các dòng sản phẩm của mình, thì Apple lại không hề sở hữu trực tiếp nhà máy nào. Vậy làm thế nào Apple hoàn thành được các sản phẩm kiểu như iPhone?
Câu trả lời là, Apple thông qua doanh nghiệp cung ứng bên thứ ba để đặt hàng sản xuất và lắp ráp thiết bị và linh kiện cho các sản phẩm của mình. Điển hình là Foxconn (Đài Loan) - đơn vị gia công các sản phẩm iPhone cho Apple.
Hiện tại, hầu hết iPhone được Foxconn hoặc Pegatron sản xuất, lắp ráp tại các nhà máy ở Thâm Quyến và Thượng Hải, Trung Quốc.
Đầu 2019, báo chí quốc tế cũng đưa tin Foxconn - đối tác cung ứng và lắp ráp chủ chốt của Apple - đang thanh toán 16,5 triệu USD cho công ty Fuhua để đổi lấy quyền sử dụng 250.000 m2 đất tại Bắc Giang. Hiện Foxconn cũng có nhà máy sản xuất linh kiện cho các hãng ở Bắc Ninh, nên thông tin này dấy lên đồn đoán về việc các sản phẩm của Apple như iPhone chẳng hạn có thể được lắp ráp ở Việt Nam.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, thì việc các đối tác của Apple đẩy mạnh hoạt động sản xuất ở Việt Nam thời gian tới cũng là điều dễ hiểu. Nhất là, theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm nay nhiều linh kiện trong các dòng sản phẩm của Apple đã được sản xuất ở Việt Nam.