Alaska không gây ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên, các hành động của toàn cầu đang tác động tới Alaska!

Các phái đoàn của khoảng 20 quốc gia đã tụ họp tại Alaska để tham dự một hội nghị về những tác động của biến đổi khí hậu ở vùng Bắc Cực. Phái đoàn Mỹ, gồm có Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry, chủ trì một loạt các phiên họp với các nhà hoạch định chính sách, các khoa học gia và những tổ chức phi chính phủ để thảo luận về các phương cách đối phó với các vấn đề như ảnh hưởng của việc trái đất ấm dần đối với Bắc Cực.

{keywords}
Tổng thống Obama phát biểu tại Hội nghị Glacier ở Alaska, ngày 31/8/2015.

Với chuyến đến thăm Alasca - vùng xa nhất về phía Bắc của nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Obama trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm khu vực phía trên vòng Bắc Cực.

BBC đưa tin, trong suốt chuyến đi ba ngày ở Alaska, ông sẽ đi lang thang trên Exit Glacier đã bị tan chảy đáng kể trong những năm gần đây, và xuất hiện trong một chương trình truyền hình với nhà thám hiểm Bear Grylls.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề môi trường ở Bắc cực do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bảo trợ này, vào ngày 31/8/2015 TT Obama đã đọc bài phát biểu với những nội dung quan trọng.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Alaska

Là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên đi thăm Bắc cực, ông Obama nhấn mạnh đến điều ông cho là các tác động đặc biệt tai hại của sự biến đổi khí hậu đối với tiểu bang Alaska.

Ông nói: “Trong 60 năm vừa qua, Alaska đã tăng nhiệt nhanh khoảng gấp đôi so với những nơi khác ở Hoa Kỳ. Năm ngoái là năm ấm nhất mà Alaska đã ghi nhận – y như phần còn lại của thế giới”.

Theo ông Obama, sự kiện này đưa đến tình trạng các tảng băng tan nhanh, đại dương và sông hồ nóng ấm hơn và mang nhiều tính axit hơn, các mực nước biển rút xuống và “một số trong những mức độ xói mòn bờ biển nhanh nhất trên thế giới.”

Tổng thống Hoa Kỳ cũng chĩa mùi dùi vào những người chỉ trích ông trong nước, một số cáo buộc ông là thổi phồng nguy cơ biến đổi khí hậu, hay lập luận rằng các chính sách mới đây của ông về môi trường đang gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Tổng thống nói, “Một môi trường lành mạnh không nhất thiết phải xung đột với sự tăng truờng kinh tế.” Ông lập luận rằng cái giá phải trả còn cao hơn nếu các quốc gia không có biện pháp nào để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông nói, “Thời buổi để biện bạch là không biết gì chắc chắn đã qua rồi. Những người muốn phủ nhận khoa học đang ở thế cô lập. Họ ở trên một hòn đảo riêng ngày càng thu hẹp dần.”

Cam kết hành động chung

Trước đó, các vị bộ trưởng của 11 quốc gia và Liên hiệp châu Âu tái khẳng đỉnh một cam kết sẽ có biện pháp “cấp thiết” để kéo chậm tiến độ tăng nhiệt toàn cầu trong vùng Bắc cực nhạy cảm.

Các giới chức của Hoa Kỳ, Pháp, Nam Triều Tiên, Singapore và các nước khác loan báo cam kết của mình trong một thông cáo chung tại Hội nghị được gọi là GLACIER.

Các đại biểu tại hội nghị do Hoa Kỳ bảo trợ đã tập trung vào những ảnh hưởng toàn cầu của biến đổi khí hậu. Trong thông cáo chung, các vị bộ trưởng nói, “Chúng tôi coi những cảnh báo của các khoa học gia là rất nghiêm trọng.”

Họ nói: “Nhiệt độ tại Bắc cực đang tăng ở mức cao gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Tình trạng mất băng và tuyết đang thúc nhanh sự tăng nhiệt của hành tinh nói chung.”

Người dân bản địa Alaska dự hội nghị đã bày tỏ sự quan ngại rằng họ đang ở tuyên đầu của biến đổi khí hậu.

Trưởng bộ tộc Alaska Lee Stephan nói: “Chúng tôi hết sức quan ngại về Trái đất Mẹ. Alaska không gây ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu. Tuy nhiên, các hành động của toàn cầu đang tác động tới Alaska.”

Cuộc họp ở Alaska diễn ra trước hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu sắp diễn ra vào tháng 12 sắp tới gần ở Paris, Pháp. Tòa Bạch Ốc nói mục tiêu của hội nghị là tăng cường nhận thức về hậu quả của nhiệt độ cao hơn trong vùng Bắc cực đang tác động ra sao đến phần còn lại của thế giới và những gì con người có thể làm để đáp lại.

Tổng thống Obama đã loan báo các kế hoạch buộc các nhà máy điện của Hoa Kỳ cắt giảm 31 phần trăm lượng khí thải carbon dioxide so với mức của năm 2005 (thời kỳ tiền công nghiệp), đồng thời tăng lượng điện phát ra qua việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Các ý kiến đa chiều

Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng: để cho nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 2 độ bách phân trên mức của thời tiền công nghiệp sẽ đem lại khí hậu nguy hiểm và mực nước biển dâng cao có thể tác động đến dân cư trên khắp thế giới.

Những người tham dự hội nghị nói những quan ngại về khí hậu tại Bắc Cực gồm có nhiệt độ gia tăng, băng trên biển thu hẹp lại và con số các vụ cháy rừng cũng gia tăng do môi trường khô hơn, nóng hơn. Riêng Ngoại trưởng Kerry đã gọi biến đổi khí hậu là một “thách thức lớn lao” sẽ trở nên tệ hại hơn nếu không giải quyết và sẽ đưa đến điều ông gọi là “những người tị nạn khí hậu”. Hoặc: “Quí vị nghĩ di dân là một thách thức cho châu Âu hiện nay vì các phần tử cực đoan. Quí vị hãy chờ xem những gì xảy ra khi không có nước, không có lương thực và bộ tộc này chống lại bộ tộc kia chỉ để sống còn.”

Nhưng, một số chính sách của Mỹ trong vùng cũng bị chỉ trích, như quyết định của Tổng thống Barack Obama cho phép Công ty Dầu khí Shell nới rộng việc khoan dầu ngoài khơi Alaska. Tổng thống Barack Obama trả lời: “Chúng tôi không tự động đóng dấu cho phép. Chúng tôi nói rõ là Shell phải đáp ứng với những tiêu chuẩn cao của chúng tôi về việc làm thế nào tiến hành những hoạt động của họ”. Ông còn nới thêm: “An toàn là vấn đề quan trọng nhất”.

Trong một thông cáo chung, các bộ trưởng tại hội nghị biến đổi khí hậu tái xác nhận những cam kết đối với những biện pháp làm chậm lại việc quả đất ấm dần. Các vị bộ trưởng hứa ủng hộ những nỗ lực để giảm khí thải carbon và tăng cường các hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực.

Trần Minh (tổng hợp)