FPT là doanh nghiệp Việt và cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông NFS(I), với thời hạn 15 năm và có hiệu lực từ ngày 6/7/2015.
Thị trường viễn thông Myanmar nhiều tiềm năng nhưng cũng rất khó "nhằn" |
Điểm quan trọng nhất của giấy phép NFS(I) là FPT sẽ được phép triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar. Đồng thời, với giấy phép này, FPT có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định nội địa và quốc tế; xây dựng, triển khai, bảo trì, cho thuê hạ tầng viễn thông; và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền hạ tầng mạng như truyền hình qua internet (IPTV), trò chơi trực tuyến (Game Online), báo điện tử (e-News), thương mại điện tử (e-Commerce), tên miền (Domain), lưu trữ website chuyên biệt (Hosting),....
Hiện tại, có 6 tập đoàn lớn trong nước của Myanmar đã được nhận giấy phép NFS(I). FPT là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép này.
Đại diện FPT cho biết, sau khi nhận giấy phép, doanh nghiệp sẽ triển khai các dịch vụ như kết nối hạ tầng các công ty, nhà máy từ những khu vực khác nhau; đồng thời chuẩn bị cho việc xây dựng hạ tầng viễn thông để sớm có thể khai thác tiềm năng lớn từ thị trường 56 triệu dân này.
Với dân số xấp xỉ 56 triệu người, tỷ lệ tiếp cận internet ngày càng cao trong khi chất lượng đường truyền internet hiện ở mức rất thấp, Myanmar hiện được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp CNTT-VT trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc xâm nhập vào thị trường này không dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt Nam như Viettel, VNPT... đều đã mở văn phòng đại diện tại Myanmar song chưa được cấp phép hoạt động, cung cấp dịch vụ.
Còn nhớ, trong cuộc làm việc song phương giữa Bộ TT&TT với Bộ Thông tin Myanmar hồi cuối tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã đề xuất người đồng nhiệm bên phía Myanmar, Bộ trưởng U Ye Htut về việc sớm cấp phép cho doanh nghiệp Việt được cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại thị trường này. Đồng thời, phía Việt Nam cũng mong muốn Myamar ưu tiên sử dụng dịch vụ do Việt Nam cung cấp như thuê kênh trên vệ tinh VINASAT.
T.C