Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, tỉnh An Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,45% năm 2016 xuống còn dưới 3% năm 2020 (trong 05 năm giảm 2/3 hộ nghèo); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 5,15% năm 2016 xuống dưới 2% năm 2020 (trong 05 năm giảm 2/3 hộ cận nghèo); Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của người nghèo, trong đó tập trung ưu tiên đảm bảo các chính sách về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, đường giao thông đảm bảo cho người nghèo ngày càng tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

{keywords}
An Giang luôn xác định giảm nghèo là vấn đề quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh chú trọng tổ chức thực hiện.

Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả tỉnh, trong đó ưu tiên những địa bàn trọng điểm như: Huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 10%, có đông dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; Xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên và xã thuộc vùng khó khăn.

Đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (như người cao tuổi, người tàn tật, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…) thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo sẽ được xem xét hưởng các chính sách trợ cấp của Nhà nước theo quy định.

Song song đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện đời sống của người nghèo, trước hết là về đường giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ở các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao được tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới. Trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch sinh hoạt, thủy lợi.

Để hoàn thành các mục tiêu về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, An Giang tập trung đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; cải cách đơn giản về điều kiện, thủ tục hồ sơ giúp hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng. Gắn vay vốn tạo việc làm tại chỗ với hướng dẫn cách làm, khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND cấp huyện, xã thực hiện giải ngân nhu cầu vốn bình quân 200 tỷ đồng/năm (tổng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng trong 05 năm).

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ y tế với 100% người nghèo, hộ nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, dự kiến mỗi năm cấp 150.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Với nội dung này, cơ quan thực hiện là Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TBXH phối hợp với UBND cấp huyện, xã. Nhu cầu vốn: bình quân 125 tỷ đồng/năm (tổng nguồn vốn 625 tỷ đồng trong 05 năm).

Đáng chú ý, nhóm giải pháp quan trọng mà An Giang tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền với việc quán triệt sâu sắc trong các cấp, các ngành và địa phương về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo, làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành nhận thức đầy đủ về công tác này, xác định đúng trách nhiệm của mình để tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị. Nhất là tăng cường vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động về giảm nghèo.

Th. Hân
Ảnh: Quốc Huy