Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2016-2020.

Trong kế hoạch vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, TMĐT là một trong những kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại và của xã hội thông tin; là phương thức giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh phát triển trong nước và xuất nhập khẩu, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế. Đồng thời, đặt ra những con số mục tiêu cho nền TMĐT tại Việt Nam đến 2020.

Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 Việt Nam phải có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến trung bình đạt 350 USD/người/năm; Doanh số TMĐT B2C tăng 20%/năm và đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước;

TMĐT xuyên biên giới phát triển nhanh, phục vụ thiết thực hoạt động xuất nhập khẩu. Giao dịch thương mại điện tử B2C chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2020.

Về phía doanh nghiệp, bản kế hoạch phát triển TMĐT cho biết đến 2020, 50% doanh nghiệp phải có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối có thẻ thanh toán (POS) và cho phép không dùng tiền mặt khi mua hàng;

70% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông và truyền hình chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Việt Nam phải nỗ lực hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín tronng khu vực ĐNA.

Với những mục tiêu cụ thể này, TMĐT Việt Nam, đặc biệt là TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ trong vòng chưa đầy 5 năm tới phải nỗ lực để đạt được gấp đôi các chỉ số so với hiện tại.

Theo báo cáo của TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương), năm 2015, doanh số TMĐT B2C đạt khoảng 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm trước đó, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Tính trung bình, giá trị mua hàng của một người mua hàng trực tuyến trong năm ước đạt 160 USD. Trong đó, mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%), đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách - văn phòng phẩm - hoa - quà tặng.

Năm 2015, các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho website TMĐT bán hàng, tổng chi phí tăng trung bình khoảng 30% so với trước đó. Tuy nhiên, một thực tế tồn tại là phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo là 48% sử dụng phương thức chuyển khoản qua ngân hàng. Đáng chú ý, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng các loại thẻ thanh toán.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý nhanh chóng tiến hành rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện chính sách, pháp luật về TMĐT. Trong đó, chú trọng đến các nền tảng TMĐT trên các nền tảng công nghệ mới như di động, truyền hình tương tác…

Hoàn thiện hệ thống liên quan đến giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT; Sửa đổi những quy định mang tính rào cản cho việc phát triển TMĐT như quy định về khuyến mại, quảng cáo và bán hàng trực tuyến; Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, ứng dụng các tiện ích thanh toán điện tử hỗ trợ người mua hàng không dùng tiền mặt.

Xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt là loại hình TMĐT doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), Chính phủ - người dân…

Đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho TMĐT, trong đó, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các cơ sở thiết yếu, bao gồm: hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia (chú trọng phát triển hạ thông minh tích hợp TMĐT; hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động hoàn tất đơn hàng và vận chuyển; hệ thống chứng thực và giao dịch đảm bảo; hệ thống chứng từ điện tử….

Xây dựng mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhanh, hoàn tất đơn hàng cho TMĐT bao phủ các tỉnh, thành phố trên cả nước; từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới; Hạ tầng an toàn, an ninh cho TMĐT được phát triển với việc thiết lập hệ thống quản lý, giám sát giao dịch TMĐT; đánh giá tín nhiệm website TMĐT và chứng thực điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT bằng cách xây dựng, kiện toàn bộ máy chuyên trách quản lý Nhà nước về TMĐT tại địa phương với đội ngũ cán bộ chuyên sâu; đặc biệt là đội ngũ thực thi pháp luật về TMĐT hay xây dựng bộ máy để giải quyết kịp thời những tranh chấp về TMĐT.