Huyện Tuần Giáo (Điện Biên) có dân số trên 94.000 người, là nơi sinh sống của cộng đồng 14 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Toàn huyện có 18/19 xã khu vực III, 156/177 bản đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 33,5% năm 2023, giảm 16,2% so với năm 2021.

Đây là một trong 2 địa phương (cùng với Mường Ảng) được tỉnh Điện Biên tổng lực các giải pháp hướng tới mục tiêu năm 2025 sẽ thoát nghèo. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ 2 huyện này bằng nhiều giải pháp như tập trung nguồn lực, sắp xếp thứ tự ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp.

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Tuần Giáo cũng rất quan tâm đến nhà ở cho hộ nghèo. Huyện thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. 

W-nha o nong thon.jpg
Năm 2024 theo Quyết định phê duyệt của UBND huyện, Tuần Giáo sẽ thực hiện hỗ trợ xây sửa nhà ở cho 335 hộ nghèo, cận nghèo. 

Theo quyết định của UBND huyện, giai đoạn 2021-2025, danh sách hộ nghèo có nhu cầu làm mới nhà ở được hỗ trợ có 987 nhà. Qua rà soát, đã có 45 nhà đã làm do các chương trình khác hỗ trợ, còn lại 931 nhà.

Trong đó năm 2023 đã thực hiện 265 nhà (1 hộ không bố trí được đất làm nhà), năm 2024 theo Quyết định phê duyệt của UBND huyện, Tuần Giáo sẽ thực hiện 335 nhà (do 9 hộ đã làm do các chương trình khác hỗ trợ), kinh phí từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Năm 2025, huyện dự kiến thực hiện 376 nhà (tính cả 45 hộ bổ sung do đã làm trùng).

Thông tin tại cuộc họp ngày 15/8 của huyện Tuần Giáo, theo kết quả rà soát, đánh giá của UBND các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tổng hợp, ngoài các hộ đã được phê duyệt trong giai đoạn 2021-2025, đến ngày 8/8, tại 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn 1.509 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ làm mới nhà ở, 244 hộ có nhu cầu hỗ trợ sửa chữa nhà ở.  

Mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, với hộ sửa chữa nhà là 30 triệu đồng/hộ. Với hộ xây nhà mới, ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, còn hộ sửa chữa nhà là 20 triệu đồng. Số còn lại, địa phương sẽ bố trí ngân sách và vận động nguồn xã hội hóa. Huyện quyết tâm đến hết năm 2025 hoàn thành thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn huyện.

Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện, nhấn mạnh để thực hiện có hiệu quả công tác xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trong giai đoạn 2024 - 2025; từng bước cải thiện chỗ ở, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ khó khăn, hộ nghèo, hộ thiếu hụt về nhà ở cần sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Lãnh đạo huyện Tuần Giáo yêu cầu đặc biệt với công tác rà soát đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng để hỗ trợ nhà ở; chủ động xây dựng, xác định mốc thời gian theo từng giai đoạn thực hiện. Đồng thời, các bộ phận liên quan, các địa phương trong huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, đặc biệt những hộ được thụ hưởng, phải nâng cao nhận thức, quyết tâm thực hiện, phát huy vai trò của chính chủ hộ.

Nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực, nhân lực, vật lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo xoá nhà tạm, nhà dột nát cũng được lãnh đạo huyện đưa ra.

Ngày 18/9, Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên có chương trình giám sát việc thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Trong giai đoạn này, huyện Tuần Giáo được giao hơn 884,5 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 26% và đến năm 2025 thoát khỏi tình trạng huyện nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm bình quân 5% trở lên, có 9 xã thoát khỏi địa bàn xã đặc biệt khó khăn.

Đến hết tháng 6, tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình cơ bản đạt trên 50%. Nhờ các chương trình can thiệp, hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện Tuần Giáo được tăng cường; văn hóa, giáo dục và y tế phát triển mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 33,5% năm 2023, giảm 16,2% so với năm 2021. 90% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.