Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch được TP Hà Nội đang tích cực triển khai, trong đó Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có vốn đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng được coi là một trong những mắt xích xương sống của kế hoạch này.
Không để “bộ mặt” Thủ đô nhếch nhác được
Theo KTS Nguyễn Phú Đức, các thành phố đa phần nằm bên các dòng sông, riêng Hà Nội còn được coi là “thành phố trong sông”, thế mới có câu “Nhị Hà Tây Bắc sang Đông – Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Sông hồ chính là nét đặc trưng của Hà Nội, cùng với hệ thống sông ngòi bao quanh là các hồ nước tự nhiên dầy đặc, đã biến Hà Nội trở thành số ít các thành phố có những lợi thế về cảnh quan tự nhiên tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên, do những “lỗi” trong quy hoạch không gian đô thị qua nhiều thời kỳ mà thành phố thay vì nhìn mặt tiền hướng sông (cụ thể là sông Hồng) thì chúng ta lại quy hoạch đô thị “quay lưng” ra sông. Sai lầm này cần sớm sửa chữa trong thực tiễn, và Bản quy hoạch Hà Nội đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã phần nào sửa được khiếm khuyết này khi lấy sông Hồng làm trung tâm; cấp tập xây dựng mới các cây cầu bắc qua sông Hồng để lấy dòng sông trở thành trục chính của đô thị.
Riêng trong nội thành, 4 con sông từng đi vào thi ca là: Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch – những dòng sông chết đang được nỗ lực hồi sinh. Trong khi những con sông tự nhiên của vùng đô thị mở rộng của Hà Nội (trên đất Hà Tây cũ) như: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích… cũng đang oằn mình hứng chịu nước thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý, những dòng sông vốn thơ mộng trước kia đang chết dần, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của người dân cũng cần sớm được “cứu”.
“Nước sông Tô vừa trong vừa mát - Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh. Hai câu ca ấy hẳn người Hà Nội nào cũng biết khi nói về sông Tô Lịch, con sông vốn được coi là “chiến hào tự nhiên” phía Tây của thành Hà Nội xưa. Ấy vậy mà giờ đây, nước sông Tô trở thành nỗi ám ảnh của người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông hoặc những người phải đi lại qua đây, nhất là vào những ngày nắng nóng. Nói không quá, sông Tô như một phần “bộ mặt” của Hà Nội, do đó việc hồi sinh dòng sông đang trở thành bắt buộc đối với chính quyền Thủ đô”, KTS Nguyễn Phú Đức trăn trở.
“Sẽ có một ngày sông lại như xưa”
Thực tế, nỗi ám ảnh do ô nhiễm của sông Tô Lịch đã xuất hiện gần 30 năm qua. Trong rất nhiều đề án làm sạch trước đây như đấu nối ống thu gom tại chỗ tất cả các điểm xả thải nước thải độc hại, nhưng phương án này không thực hiện được vì dọc bờ sông có quá nhiều điểm xả thải. Hoặc, sau đó Hà Nội tiếp tục thử nghiệm công nghệ Nano – Bioreactor (của Công ty Việt Nhật); rồi tới Công ty Thoát nước Hà Nội thí điểm dùng hoá chất làm sạch dòng sông. Điểm chung của các phương pháp này là không thu gom được nước thải, chỉ xử lý phần ngọn nên không thể giải quyết triệt để được ô nhiễm.
Do đó từ năm 2018, Hà Nội lên phương án xử lý dứt điểm ô nhiễm các con sông trong nội đô khi quyết tâm xây dựng các nhà máy xử lý nước thải (Yên Xá, Yên Sở...) và hệ thống cống thu gom nước thải (tách nước thải ra khỏi nước mặt tự nhiên của các con sông-NV). Theo lộ trình năm 2020 sẽ xong (với kế hoạch hồi sinh sông Tô Lịch), nhưng đã chậm trễ gần 4 năm dự án vẫn đang trong quá trình “về đích”, dù hạn mốc thời gian thì chưa được ấn định.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội: Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có tổng mức đầu tư hơn 16.293 tỉ đồng, trong đó 84,14% là vốn vay ODA làm tâm điểm, xương sống của đề án hồi sinh các dòng sông trong nội đô ở nhánh phía Tây. Tổng thể của dự án gồm 4 gói thầu, trong đó Gói thầu số 1 chính là Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), với diện tích khoảng 13,8 ha, có công suất 270.000 m3/ngày đêm.
Các gói thầu số 2,3 và 4 là hệ thống cống thu gom nước thải, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62 km (đường kính ống 315-2.200 mm). Hệ thống cống này có nhiệm vụ tách và thu gom toàn bộ nước thải công nghiệp, sinh hoạt của người dân đưa về nhà máy Yên Xá xử lý, để các dòng sông chỉ có nhiệm vụ tiêu thoát nước mặt (nước mưa).
Theo khảo sát của Báo VietNamNet, những ngày cuối năm 2023 này tiến độ triển khai dự án khá khẩn trương nhưng chưa đảm bảo yêu cầu. Cụ thể, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá do Nhà thầu Liên danh JFE-TSK (Nhật Bản) thi công đã hoàn thành 97%, nhưng phải đến quý 2/2024 mới có thể vận hành thử (dự kiến) và đi vào hoạt động chính thức trong năm 2024.
Trong khi gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính do nhà thầu Công ty TEKKEN (Nhật Bản) thực hiện – có tốc độ triển khai nhanh nhất – nhưng đến nay cũng mới chỉ hoàn thành 90% tiến độ. Gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ mới đạt khoảng 10% khối lượng; trong khi gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới (Văn Quán, Mộ Lao…) mới đạt khoảng 16% khối lượng.
Hy vọng, nếu đúng kế hoạch gói thầu số 1 và 2 hoàn thành trong năm 2024, nước sông Tô Lịch sẽ lấy lại được màu xanh tự nhiên vốn có. Ngày mà người dân có thể câu cá trên sông, thậm chí tắm sông sau những trận mưa mùa hạ là hoàn toàn có cơ sở và rất đáng chờ đợi.