Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đưa CNTT thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững và giá trị xuất khẩu lớn vào 2025. Ảnh minh họa: Internet |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định phê duyệt Đề án "Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Trong đó nêu rõ những mục tiêu trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, logistics và vận tải, CNTT và Truyền thông, KH&CN, GD&ĐT, y tế, du lịch...
Mục tiêu tổng quát của Đề án là cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như tài chính - ngân hàng, logistics và vận tải, CNTT và Truyền thông, KH&CN, GD&ĐT, y tế, du lịch, tăng cường xuất khẩu dịch vụ, giảm thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, hướng tới thặng dư trong cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế phát triển ngành dịch vụ nhằm tạo khuôn khổ chính sách và thể chế đồng bộ hướng vào việc xây dựng ngành dịch vụ chất lượng, hiệu quả và cạnh tranh; tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường trong phân bổ các nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ.
Xây dựng cơ sở hệ tầng của khu vực dịch vụ thông qua việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” bao gồm: CNTT và Truyền thông, giáo dục, logistic và vận tải, tài chính – ngân hàng, xây dựng “hệ sinh thái” dịch vụ để tạo đột phá trong phát triển dịch vụ. Thhu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh về dịch vụ với các quốc gia ASEAN – 4. Đồng thời đề án cũng đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trong của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), CNTT để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực dịch vụ khác.
Những mục tiêu cụ thể được đặt ra trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông là đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng CNTT và Truyền thông bình quân đạt 10 – 15%/năm. Duy trì sức cạnh tranh, giữ vững vị trí Việt Nam nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia, tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam.
Đến năm 2025, CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn; Việt Nam có khả năng chủ động trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp CNTT, điện tử, các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, đảm bảo an toàn thông tin và chủ quyền quốc gia số;
Phát triển được lõi công nghệ và sản phẩm trong tài chính, thương mại, nông nghiệp, sinh học và đối phó với biến đổi khí hậu, sản xuất công nghiệp, an ninh quốc gia bao gồm an ninh mạng và các công nghệ số trong quốc phòng.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đề án đã đặt ra 4 nhiệm vụ cần thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông đến 2020 định hướng đến 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường thuận lợi hỗ trợ phát triển bưu chính, viễn thông, CNTT đáp ứng các yêu cầu về hội nhập toàn diện kinh tế quốc tế, bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước gắn với việc đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, tạo sự công khai, minh bạch trong công các quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.
Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản trị doanh nghiệp, trong khai thác và xử lý bưu gửi tại các doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt tại doanh nghiệp quản lý mạng bưu chính công cộng nhằm cung ứng dịch vụ chất lượng và hiệu quả cho người sử dụng dịch vụ.
Phát triển thị trường CNTT và Truyền thông bền vững, định hướng chuyển đổi cơ cấu sang các trụ cột mới (như công nghiệp điện tử, công nghiệp và dịch vụ nội dung số, công nghiệp an toàn và an ninh mạng, TMĐT, vận chuyển,…), đối tượng mới (thành phố thông minh, chính phủ số, công dân số), không gian mới (trong khu vực, thị trường quốc tế). Phát triển và thương mại hóa viễn thông 5G; phát triển các ứng dụng và nội dung số trên nền tảng 5G.