Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trong 10 năm, Vĩnh Phúc đã huy động được hơn 12.800 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; đầu tư hơn 528 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 724 km đường trục thôn, ngõ xóm, 716 km đường trục chính nội đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,11%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm.
Để duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. |
Triệu Đề là một trong hai xã được huyện Lập Thạch chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Từ một xã có điều kiện kinh tế khó khăn, Triệu Đề đã mang một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp hơn.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Triệu Đề cho biết, ngay sau khi được chọn làm xã điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, Đảng ủy và chính quyền xã Triệu Đề đã chỉ đạo đến từng thôn, xóm tổ chức họp bàn với dân, triển khai tuyên truyền, vận động người dân cùng chung sức xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu với tinh thần "Mỗi người dân góp một ý tưởng xây dựng nông thôn mới".
Xã xác định và xây dựng kế hoạch cụ thể những việc cần phải làm để hoàn thiện từng tiêu chí. Với phương châm "Dân làm, dân hưởng thụ" nên các tiêu chí "Sáng - xanh - sạch" và vui chơi thể thao ở các thôn, xóm được người dân tự bàn, thống nhất mức, phương thức đóng góp và triển khai thực hiện.
Đến nay, người dân trong xã đã hiến gần 15.000 m2 đất nông nghiệp, tiếp tục xây dựng thêm 14 tuyến đường giao thông nội đồng, 11km cống, rãnh thoát nước thải; xây mới Trường mầm non xã và tu sửa, nâng cấp một số công trình phụ trợ khác nhằm đáp ứng yêu cầu xã nông thôn mới nâng cao. Kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng phát triển, đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân trong thôn đạt gần 40 triệu đồng/người/năm.
Được biết, năm 2025 tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu có 100% huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số thôn được công nhận đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Để đạt mục tiêu này, giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc sẽ dành hơn 6.800 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới, kiểu mẫu.
Hiện Vĩnh Phúc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ dồn thửa đổi ruộng để tiến hành sản xuất quy mô lớn; lồng ghép với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…
Hà Lan