Hàng Việt qua Nhật

Trong khuôn khổ sự kiện, AEON đã trưng bày các sản phẩm Việt Nam ở khoảng 350 cửa hàng, siêu thị của tập đoàn này trên toàn Nhật Bản và trên hệ thống website của tập đoàn.

So với năm ngoái, hàng hóa Việt Nam được trưng bày năm nay có sự đa dạng và phong phú hơn về chủng loại và mẫu mã, từ trái cây tươi như vải và chuối, hay các loại thực phẩm chế biến như mỳ tôm và phở ăn liền, cho đến các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ.

Tuy nhiên, điểm nhấn quan trọng của Tuần hàng Việt Nam tại AEON năm 2021 là vải thiều tươi của Việt Nam. Đây là mặt hàng được người dân Nhật Bản rất ưa chuộng.

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, Tuần hàng Việt Nam tại AEON đã hỗ trợ cho hơn 100 lượt doanh nghiệp của 21 tỉnh, thành ở Việt Nam quảng bá và giới thiệu sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng Nhật Bản.

{keywords}
Tuần hàng Việt Nam tại Nhật 

Đây là một trong những chương trình được đánh giá mang tính hiệu quả cao trong việc triển khai thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài” của Bộ Công Thương nhằm hướng tới đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống Aeon đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Với chủ đề “Du lịch tại nhà”, bằng cách giới thiệu hình ảnh về văn hóa, du lịch và ẩm thực quen thuộc của Việt Nam như gỏi cuốn, chả giò, bún, phở, bánh flan, đồ ngọt làm từ khoai lang… và các loại trái cây nhiệt đới, Tuần hàng Việt Nam năm 2021 sẽ là dịp mang đến cho khách hàng Nhật Bản những khám phá và trải nghiệm thú vị mới, cho khách hàng Nhật Bản dễ dàng cảm nhận như đang du lịch Việt Nam dù đang ở nhà.

Hướng tới thị trường trọng điểm

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, phía thị trường Nhật Bản đã phản hồi rất tích cực về số lượng vải vừa được nhập khẩu từ Việt Nam sang."Năm nay, khách Nhật Bản phản hồi về chất lượng vải tốt hơn năm ngoái. Các lô  hàng đã đi từ 23/5 đến nay đều tiêu thụ hết trong 2-3 tiếng", ông Hiếu cho biết.

2 cơ sở xử lý ở Hải Dương mới được đồng ý xử lý vải có tổng số 3 buồng xử lý, mỗi buồng công suất 2,5-3 tấn. Mỗi buồng có thể xử lý được 7-8 mẻ/ngày, tùy thuộc nguyên liệu.

Như vậy, đến nay có tổng số 4 cơ sở xử lý vải thiều với 5 buồng xử lý của Công ty Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Rồng Đỏ, Công ty Toàn Cầu và Trung tâm Kiểm dịch SNK 1.

Theo các chuyên gia, đưa hàng vào các siêu thị Nhật tại Việt Nam đã khó, đưa hàng Việt vào bày bán tại các siêu thị ở Nhật Bản càng khó hơn. Theo đó, những sản phẩm hàng Việt được xuất khẩu đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe bởi Nhật Bản vẫn luôn được đánh giá là một trong những thị trường khó tính nhất.

Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu.

Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm... Riêng với sản phẩm dệt may, DN Việt Nam phải thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.

Các điều kiện nhập khẩu của thị trường Nhật buộc DN Việt phải tuân thủ mọi quy định ở tất cả các giai đoạn, từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối, bán hàng và giao hàng. Các quy định này được phân cấp từ những quy định bắt buộc của pháp luật cho đến các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành. Tiếp đó là các tiêu chuẩn riêng của siêu thị. 

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 0,1% so với năm 2019, trong đó xuất khẩu thủy sản đạt 1,4 tỷ USD; cà phê đạt 181 triệu USD; rau quả đạt 128 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt kim ngạch 740,4 triệu USD, tăng 3,2% so với năm 2019.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tuy tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nhập khẩu của Nhật.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về thay đổi xu hướng tiêu dùng, cũng như các chính sách của thị trường Nhật. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thay đổi ngay nếu không muốn mất thị phần.

Để tiếp tục thúc đẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thông qua kênh phân phối của Aeon, Bộ Công Thương, UBND thành phố Hà Nội và Tập đoàn Aeon sẽ tiếp tục giới thiệu ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng cao, các món ẩm thực hấp dẫn của Việt Nam tới người tiêu dung Nhật Bản tại Tuần hàng Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Vĩnh Sang