Thay vì bỏ ra một khoản tiền lớn để "bóc tem" ô tô mới, nhiều người cố gắng tìm kiếm và chọn mua một chiếc xe cũ với mức chi phí hợp lý hơn nhiều.

Tuy nhiên, dù đã kiểm tra kỹ đến đâu thì với những ô tô đã qua sử dụng nhiều năm, chúng ra sẽ không thể biết hết được tình trạng xe qua vẻ bề ngoài. Do vậy, ngay sau khi tậu xế hộp về, cần kiểm tra, căn chỉnh, để biến chiếc xe thực sự thành "của mình".

{keywords}
Xe đã qua sử dụng đang được rất nhiều người quan tâm bởi chi phí hợp lý, mua bán nhanh. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Dưới đây là 5 việc cần thực hiện ngay khi mua một chiếc xe cũ:

1. Thay dầu nhớt, nước làm mát

Trước khi bán xe, nhiều chủ cũ sẽ cố gắng tiết kiệm một cách tối đa chi phí, và rất nhiều khả năng chiếc xe không được thay dầu máy định kỳ. Do đó, việc đầu tiên khi mua xe mới về là phải thay dầu nhớt cho xe. 

Ngoài ra, các loại nước làm mát, dầu phanh, dầu hộp số,... cũng cần được kiểm tra kỹ càng. Nếu có điều kiện, nên thay thế tất cả cùng một lúc cho đồng bộ và tiện theo dõi cho những lần bảo dưỡng, thay thế tiếp theo. Nhờ vậy, chiếc xe của bạn sẽ hoạt động trơn tru và ít hỏng hóc hơn.

2. Kiểm tra, thay thế ắc-quy

{keywords}
Hầu hết ắc-quy chỉ có tuổi thọ tối đa khoảng 4 năm.

Thông thường, chủ xe cũ sẽ sử dụng ắc-quy đến khi nào hết điện thì thôi, nhưng nếu mua một chiếc xe chưa biết ắc-quy đó đã sử dụng bao lâu thì bạn sẽ nhận rủi ro về mình. Khi ắc-quy yếu điện, hết điện, xe của bạn không nổ máy được, đồng thời một số bộ phận về điện trên xe sẽ bị vô hiệu hoá, khá phiền phức và mất thời gian.

Các chuyên gia cho rằng, hầu hết ắc-quy chỉ có tuổi thọ tối đa khoảng 4 năm. Do vậy, khi mua một chiếc xe cũ, cần hỏi kỹ về thời gian sử dụng của ắc-quy hoặc nếu không chắc chắn lắm thì đừng tiếc tiền thay một bình ắc-quy mới cho yên tâm. 

{keywords}
Với xe đã sử dụng nhiều năm, cần đưa đến các gara để kiểm tra, thay thế các bộ phận đã cũ theo thời gian để yên tâm khi sử dụng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

3. Thay lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa

Trên các xe cũ, bộ phận lọc gió và điều hòa thường xuyên bám bụi bẩn. Điều này có thể làm cản trở cho quá trình hoạt động của xe, giảm hiệu suất động cơ và điều hoà.

Vì vậy, ngay sau khi mua một chiếc ô tô cũ, nên đem xe đến gara uy tín để các kỹ thuật viên kiểm tra kỹ lưỡng và thay thế lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa.

{keywords}
Bộ phận lọc gió động cơ và điều hoà là một trong những bộ phận cần được kiểm tra, thay thế đầu tiên khi mua xe cũ.

4. Kiểm tra hệ thống phanh

Phanh xe là bộ phận rất quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành và sự an toàn của những người ngồi trên xe. Ngay sau khi mua ô tô cũ, chúng ta nên đưa đến các gara để kiểm tra má phanh và các bộ phận khác trong hệ thống phanh xe.

Khi má phanh đã mòn, đừng tiếc tiền thay bộ má phanh mới và căn chỉnh lại hệ thống tổng phanh để yên tâm sử dụng.

5. Kiểm tra lốp, căn chỉnh độ chụm bánh xe

Kiểm tra tình trạng lốp và căn chỉnh độ chụm là việc hết sức cần thiết đối với xe cũ.

Lốp là bộ phận duy nhất của chiếc xe tiếp xúc với mặt đường, do vậy bộ phận này thường xuyên bị ngoại lực tác động, có thể gây xịt lốp, nổ lốp,... rất nguy hiểm. Có thể kiểm tra tình trạng của lốp xe bằng mắt thường dựa trên độ mòn trên bề mặt lốp.

Theo các chuyên gia, lốp là sản phẩm có hạn sử dụng, vì vậy, sau 5 năm là đến lúc thay mới, bất luận việc xe chạy nhiều hay ít.

Cùng với lốp, độ chụm bánh của trên một chiếc xe đã qua sử dụng có thể sẽ bị lệch theo thời gian hoặc từng có va chạm. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng mòn lốp không đều, nhao lái… Vì vậy, sau khi mua xe về, bạn cần kiểm tra và căn chỉnh độ chụm bánh xe để đảm bảo an toàn.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Cần bỏ ngay 10 thói quen này nếu không muốn xe của bạn nhanh hỏng

Cần bỏ ngay 10 thói quen này nếu không muốn xe của bạn nhanh hỏng

Khởi động xe rồi vào số đi ngay, đánh lái "chết", đặt tay lên cần số khi đang chạy, để xăng quá kiệt,… là những thói quen sẽ khiến chiếc xế cưng của bạn nhanh hỏng.