Theo đó, các yêu cầu chung về BVMT làng nghề gồm: phải có phương án BVMT, có tổ chức tự quản về BVMT và hạ tầng BVMT. Nội dung của phương án BVMT gồm: thông tin chung; loại hình, quy mô sản xuất; tình trạng phát sinh khí thải, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại; các công trình BVMT của làng nghề…
Hạ tầng BVMT của làng nghề bao gồm: hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT; Điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn…
Yêu cầu đối với cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề: Xây dựng và thực hiện biện pháp BVMT theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật; Thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về BVMT…
Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp, công bố danh sách tất cả các làng nghề, phối hợp điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm làng nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề; hướng dẫn kiểm tra an toàn sử dụng hóa chất của các cơ sở sản xuất hoạt động trong làng nghề, nhất là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường…
UBND cấp xã lập, trình UBND cấp huyện phê duyệt và triển khai thực hiện phương án BVMT cho làng nghề; rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất và công tác BVMT của các làng nghề trên địa bàn; có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất trong làng nghề; chỉ đạo việc thành lập và hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về BVMT làng nghề…
UBND huyện tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động BVMT làng nghề; chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình BVMT làng nghề; trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề.
Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 124 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 17 làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, tập trung tại các vùng đất cổ lưu giữ nhiều di sản văn hóa. Tiêu biểu như các làng nghề: đúc đồng Tống Xá, chạm khắc gỗ La Xuyên, sơn mài Cát Đằng (Ý Yên); mây tre đan Vĩnh Hào (Vụ Bản); cây cảnh Vị Khê, múa rối nước Bàn Thạch, làm khăn xếp Giáp Nhất (Nam Trực); ươm tơ Cổ Chất, dệt vải Cự Trữ (Trực Ninh); làm muối Văn Lý, làm kèn đồng Phạm Pháo (Hải Hậu); nước nắm Sa Châu, muối Bạch Long (Giao Thủy)… |