Tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số 4 tháng đầu năm và triển khai những tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Nam Định, UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính.

Theo đó, nhiệm vụ xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Nam Định bước đầu đã đạt những kết quả rất tích cực. 

Chỉ số đánh giá xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh Nam Định năm 2020 được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá đứng thứ 11/ 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. 

Các chỉ tiêu xây dựng chính quyền điện tử tỉnh hàng năm đều đạt và vượt so với mục tiêu của Nghị quyết số 17 của Chính phủ. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, Chỉ số hiện đại hóa nền hành chính qua từng năm đều duy trì mức tăng trưởng khá và nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước. 

Về xây dựng hạ tầng, nền tảng số, tỉnh Nam Định thường xuyên cập nhật Khung kiến trúc chính quyền điện tử; xây dựng Trục liên thông văn bản của tỉnh kết nối Trục liên thông văn bản Quốc gia. Trục liên thông văn bản tỉnh Nam Định hoạt động ổn định, đảm bảo việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể và nhà nước trên địa bàn và liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành Trung ương và 62 tỉnh, thành phố của cả nước. 

Về xây dựng, phát triển chính quyền số, xã hội số, tỉnh đã phát triển các hệ thống thông tin, ứng dụng, dịch vụ số đổi mới lề lối, phương thức làm việc. 100% các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và 226 xã, phường, thị trấn đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong điều hành, giải quyết công việc. Trên 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được kết nối liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh. 

Đối với hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: 4 tháng đầu năm 2022, số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận của các cơ quan nhà nước 3 cấp trên Cổng là hơn 193.000 hồ sơ; trong đó hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là hơn 19.600 hồ sơ. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên Cổng đạt 99,98%; có hơn 1.000 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp phát sinh thanh toán trực tuyến.

Ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, từ nay đến cuối năm, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ Công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số và đội ngũ nòng cốt chuyển đổi số của tỉnh.

Bên cạnh đó, ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định; Hoàn thiện và đưa vào sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II của tỉnh kết nối liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã; Ban hành quy chế và triển khai có hiệu quả hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh đến 100% cơ quan nhà nước 3 cấp của tỉnh. 

Tiếp tục cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện của tỉnh ở mức độ 4, trong đó chú trọng các giải pháp thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, hiệu quả... 

Tiếp tục đưa vào sử dụng các nền tảng ứng dụng mới phục vụ người dân, trong đó quan tâm nghiên cứu đưa vào sử dụng các công nghệ nền tảng phục vụ việc giao tiếp, tương tác hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước trên thiết bị di động. Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thôn, xã thông minh phục vụ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…

Minh An