Thời gian gần đây, hình thức chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại, gia trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đặc biệt, quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học được áp dụng tích cực; chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để bao tiêu sản phẩm được tăng cường đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

{keywords}
Người chăn nuôi Nam Định phát triển chăn nuôi gà quy mô trang trại.

Theo báo cáo rà soát của các huyện, thành phố, hiện trên địa bàn tỉnh có 472 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định mới của Luật Chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tiến hành rà soát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Đàn gia cầm của tỉnh không chỉ phát triển về số lượng mà cả quy mô chăn nuôi của các hộ. Chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình dưới 100 con giảm đáng kể. Việc chăn nuôi gia cầm quy mô tập trung sẽ giúp chủ động phòng, chống được dịch bệnh, bảo đảm lợi nhuận. Do vậy đàn gia cầm luôn được duy trì và phát triển ổn định trong những năm gần đây. 

Nuôi theo quy mô lớn có số lượng lên đến hàng nghìn con gia cầm tại các khu trang trại, gia trại tập trung được mở rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 500 hộ nuôi quy mô đàn từ 2.000 con gia cầm trở lên. Trong đó hơn 100 trang trại nuôi quy mô từ 6.000 đến 60 nghìn con gia cầm thịt và 8.000 đến 100 nghìn con gia cầm đẻ.

Ở một số địa phương đã hình thành những vùng chăn nuôi gia cầm lớn, đó là xã Kim Thái (Vụ Bản); Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng); Hải Thanh, Hải Đông (Hải Hậu); Trực Chính, Trung Đông (Trực Ninh)…

Trang trại của anh Nguyễn Văn Phúc, xóm 14, xã Trực Hùng (Trực Ninh) trong 2 năm qua luôn duy trì đàn gà Ai Cập siêu đẻ trứng với quy mô 20.000 con. Trang trại của anh áp dụng nuôi gà đẻ theo quy trình thực hành chăn nuôi VietGAHP nên giá trị sản xuất thu được cao hơn khoảng 15-20% so với nuôi gà thương phẩm.

Đầu năm 2021, tỉnh Nam Định đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại 2 hộ chăn nuôi thuộc xã Yên Khánh (Ý Yên) và xã Cộng Hòa (Vụ Bản). Số gia cầm phải tiêu hủy là 1.577 con, trong đó có 767 con gà và 810 con vịt. Tuy nhiên, với mô hình chăn nuôi gà VietGHP, anh Phúc không lo lắng đàn vật nuôi bị nhiễm bệnh bởi quy trình nuôi hoàn toàn khép kín, kiểm soát từ khâu đầu vào đến đầu ra nghiêm nghặt, nguy cơ dịch xâm nhiễm giảm đến mức thấp nhất. 

Chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh Nam Định đang được đẩy mạnh trong thời gian qua do yêu cầu vốn đầu tư thấp hơn so với các vật nuôi khác, phù hợp với điều kiện của nhiều hộ. Giá bán thịt hơi xuất chuồng và các sản phẩm gia cầm khá ổn định nên người dân tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm...

Tuy nhiên, để chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, bền vững, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, nhất là áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống tốt các loại dịch bệnh, bảo đảm nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi.

Vĩnh Sang