Ngày 22/3/2022 UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án Nhà máy gang thép số 1 của Công ty CP Xuân Thiện Nam Định
Đây là Tổ hợp nhà máy thép của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng đã được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND và Quyết định số 2188/QĐ-UBND vào ngày 9/10/2021 với tổng mức đầu tư là 69.000 tỷ đồng, tổng công suất 7,2 triệu tấn/năm.
Theo đó, mục tiêu củạ dự án nhằm sản xuất sắt, thép, gang. Đồng thời, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho 15.000 lao động tại địa phương.
Về quy mô: xây dựng nhà máy gang thép với diện tích khoảng 284,97ha; công suất khoảng 7,5 triệu tấn/năm, tăng tổng vốn đầu tư dự án là 88.000 tỷ đồng.
Ngoài dự án chính trên, nhà đầu tư này còn rót vốn vào 2 dự án khác cũng tại huyện Nghĩa Hưng là Dự án Nhà máy cán thép (xây dựng nhà máy thép xanh với vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, diện tích khoảng 83,93ha tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng có công suất khoảng 2 triệu tấn thép/năm) và Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (vốn đầu tư 900 tỷ đồng, diện tích khoảng 57,80ha tại xã Nghĩa Hải, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, công suất khoảng 350.000 tấn/năm, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động).
Khơi dậy tiềm năng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động
Được biết, vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây được quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản tại Quyết định 2896/QĐ-UBND.
Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này vẫn mang tính manh mún và tự phát, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp cho ngân sách. Hầu hết các hộ đang nuôi trồng thủy sản đều ký hợp đồng thuê đất trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 năm, một số hộ đã hết thời hạn hợp đồng. Trong khi đó, nơi đây có tiềm năng phát triển cảng nước sâu gắn với các ngành công nghiệp cơ bản, đem lại giá trị gia tăng cao, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Theo UBND tỉnh Nam Định, các dự án trên là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, việc làm này cũng phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, số 05-NQTU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định.
Bên cạnh đó, những dự án trên được đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời nâng cao đời sống nhân dân; giải quyết vấn đề xã hội, việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương; đóng góp quan trọng để đạt mực têu đưa Nam Định đến 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước
Theo cam kết của chủ đầu tư, sau 36 tháng từ ngày được giao đất, Dự án sẽ hoàn thành giai đoạn đầu với công suất 2 triệu tấn/năm, mang lại nguồn thu ngân sách khoảng 3.000 tỷ đồng/năm; 24 tháng sau đó (60 tháng từ ngày giao đất) sẽ hoàn thiện toàn bộ nhà máy với công suất 9,5 triệu tấn/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động và đóng góp cho ngân sách địa khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, UBND huyện Nghĩa Hưng đã và đang phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng dự án quan trọng nói trên. Theo tiến độ dự kiến, quý III năm 2022 sẽ khởi công xây dựng Tổ hợp Nhà máy thép xanh.
Những người dân nơi đây cho biết, họ đang kỳ vọng vào sự đổi thay lớn từ những chủ trương, quyết sách có tính bước ngoặt của lãnh đạo tỉnh Nam Định.
An Hải