- Tháng 10/2011, Nam Định lần đầu "nói không" với dân lập, tại chức chưa dứt thắc mắc về sự phân biệt. Hai mươi tháng sau, Nam Định vẫn giữ "quan điểm" bằng thông báo tuyển dụng công chức tỉnh Nam Định năm 2013 (ban hành ngày 29/5), người dự tuyển phải được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn. Đồng nghĩa với việc: không tuyển tại chức.

{keywords}

Thông báo tuyển dụng công chức năm 2013 của tỉnh Nam Định

Thông báo tuyển dụng số 88/TB-UBND ký ngày 29/5/2013 của tỉnh này nói rõ: “Người dự tuyển phải có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn, có trình độ, ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức cần tuyển”.

Ngoài ra, ứng viên dự tuyển phải đảm bảo các điều kiện khác như: có hộ khẩu thường trú Nam Định, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học…

Tổng chỉ tiêu tuyển dụng công chức toàn tỉnh Nam Định năm nay là 96 người (đã tính cả số chỉ tiêu bổ sung), trong đó khối sở, ban, ngành là 50 chỉ tiêu; khối huyện, thành phố 46 chỉ tiêu.

Trả lời báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn – chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết chủ trương này thực hiện theo nghị quyết 08 của Ban chấp hành Đảng Bộ tỉnh Nam Định từ khóa 17, đến nay đã áp dụng được gần 10 năm.

Ông Tuấn lý giải, trước kia trong thời kỳ chiến tranh, đất nước còn bị chia cắt, đời sống khó khăn nên không có nhiều người được học hành đến nơi đến chốn, mới phải dùng đến việc học tại chức, chuyên tu. “Tuy nhiên thời kỳ đó bây giờ đã quá xa xôi, không thể lặp lại như vậy được. Bây giờ nhiều em học xong lớp 12, thi trường nào, trượt trường đấy rồi lại đi học tại chức, như vậy chất lượng không tốt”, ông Tuấn nói.

Chủ tịch tỉnh Nam Định còn nói thêm: ““Trước đây tôi có làm việc với những cháu học tại chức ra, quả thực là các cháu làm việc chậm chạp, nói mãi không hiểu...”

Ngoài ra, một lý do khác khiến Nam Định từ chối bằng tại chức, theo ông Tuấn là do “Nam Định là tỉnh học quá giỏi”. Theo thống kê, năm nào điểm bình quân vào các trường đại học, cao đẳng công lập, Nam Định cũng nằm trong top đầu. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp quốc gia Nam Định cũng đứng đầu… “Vậy thử hỏi tại chức làm sao mà sánh được?”

Về việc nhiều người cho rằng có những em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải từ bỏ ước mơ học đại học để học tại chức, vừa học vừa làm, ông Tuấn khẳng định những trường hợp đó là rất hiếm.

“Giờ nhà nước rất quan tâm đến phát triển giáo dục. Những con em nhà nghèo khi đi học đều được vay vốn ưu đãi. Con em thương binh liệt sỹ cũng được giảm học phí… Thực ra những nhà nào con học giỏi người ta cũng đều cố cho đi học cả".” – ông Tuấn giải thích.

Chủ tịch tỉnh cũng cho biết chủ trương này được người dân hoàn toàn ủng hộ.

Hiện tại, ngoài Nam Định cũng có một số tỉnh thành thực hiện không tuyển dụng công chức có bằng đại học tại chức như: Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Nam, Quảng Bình.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)