1. Nam giới dân tộc nào 12 tuổi sẽ vào chùa tu hành?

  • Khmer
  • Ê Đê
  • Kơ Ho
  • Chăm
Chính xác

Những người con trai Khmer từ 12 tuổi trở lên sẽ được gia đình cho vào chùa tu tập, thời gian tùy theo từng người. Họ được học giáo lý nhà Phật, học chữ, học nghề, báo hiếu cha mẹ và rèn luyện thành người có tri thức, đạo đức. Đi tu được coi như một nghĩa vụ xã hội của nam giới Khmer.

Những người trải qua thời kỳ tu được xem đã hoàn thành nghĩa vụ và học được cách làm người, biết chữ nghĩa. Người con gái Khmer đến tuổi lấy chồng cũng thường chọn những chàng trai đã qua tu luyện trong chùa và hoàn tục.

2. Khi mới nhập tu, họ sẽ được gọi là gì?

  • Sa di ni
  • Sa di
  • Tỳ kheo
  • Tỳ kheo ni
Chính xác

Khi mới nhập tu, họ được gọi là các Sa di. Trong thời gian các Sa di tu ở chùa, gia đình được tới thăm nhưng người thân phải giữ khoảng cách thể hiện sự kính trọng đối với những người tu. Ngoài ra mỗi tháng, các Sa di được về thăm nhà một lần trong ngày.

Việc xuất gia báo hiếu của đồng bào Khmer có ý nghĩa không phải để trở thành Phật mà để thành người có đủ đạo đức, kiến thức, lòng nhân ái để sau khi rời chùa sẽ biết cách xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa.

3. Tỉnh nào đông người Khmer sinh sống nhất?

  • An Giang
  • Sóc Trăng
  • Kiên Giang
  • Bạc Liêu
Chính xác

Người Khmer là dân tộc thiểu số trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, có khoảng hơn 1,3 triệu người, phân bố ở nhiều tỉnh thành thuộc Nam Bộ nhưng tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long.

Với khoảng hơn 362.000 người Khmer sinh sống, chiếm 30,18% dân số toàn tỉnh, Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đông nhất cả nước. Xếp sau đó là các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu…

4. Đâu là lễ hội lớn của người Khmer?

  • Lễ hội lồng tồng
  • Lễ hội Gầu Tào
  • Lễ hội Oóc Pò
  • Lễ hội Ok Om Bok
Chính xác

Lễ hội Ok Om Bok còn gọi là lễ cúng trăng, là lễ hội dân gian lớn trong năm của người Khmer. Lễ hội này thường diễn ra vào giữa tháng 10 âm lịch, tổ chức khi kết thúc vụ mùa để bày tỏ lòng biết ơn đối với Mặt Trăng - vị thần theo tín ngưỡng của người Khmer có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp.

Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người Khmer tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn Thần Mặt Trăng đã cho một vụ mùa bội thu, giúp cho phum sóc có cuộc sống ấm no.

5. Đâu là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội này?

  • Đua ngựa
  • Chọi trâu
  • Đua ghe ngo
  • Đá cầu
Chính xác

Ghe ngo vốn là phương tiện di chuyển truyền thống trên sông nước của người dân Khmer Nam bộ. Đua ghe ngo là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Ook Om Bok. Mỗi năm, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần để tham gia lễ hội, sau đó được đưa lên bờ.

Trên ghe đua thường có 46 đến 60 người chèo, riêng người điều khiển nhịp chèo ngồi ở trước mũi. Mái chèo được làm bằng gỗ nhẹ, không thấm nước, bản rộng, mỏng và tròn dần về cán. Hoạt động này đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, vừa mang tính truyền thống vừa mang yếu tố tâm linh.