Ma Tổ (Mazu) là một trong những nữ thần nổi bật trong văn hóa dân gian Trung Hoa. Được cho là xuất hiện trên trần thế dưới dạng một phụ nữ trẻ sống ở Phúc Kiến giai đoạn thế kỷ thứ 10, Ma Tổ là nữ thần bảo hộ của những người đi biển thời phong kiến Trung Hoa.

Truyền thuyết về bà dường như bắt nguồn từ tín ngưỡng tin vào pháp sư của vùng ven biển Phúc Kiến. Những câu chuyện về bà sau đó được đưa vào các triết lý tôn giáo của Trung Hoa. Ngày nay, Ma Tổ được xem là một vị thần trong cả Đạo giáo và Phật giáo.

Không chỉ tồn tại trong các ngôi đền Phật giáo và Đạo giáo, Ma Tổ còn xuất hiện trong các đền thờ trên khắp thế giới. Trải qua thời gian, niềm tin về Ma Tổ lan rộng đến mức bà được cho là không chỉ bảo trợ cho những người đi biển mà còn cả phụ nữ khi sinh nở, ngăn chặn cả lũ lụt và hạn hán, đồng thời là người chữa lành bệnh tật.

Ngày giỗ nữ thần Ma Tổ được ấn định vào ngày 9/9 âm lịch

Do là nữ thần bảo trợ người đi biển, Ma Tổ thường là một trong những vị thần đầu tiên được người Trung Hoa thờ phụng khi họ di cư ra nước ngoài. Một số tàu thuyền Trung Quốc khi ra khơi vẫn thờ Ma Tổ hoặc mang theo hình nộm của bà để tin rằng chuyến ra khơi sẽ thành công tốt đẹp.

Ma Tổ là một trong những vị thần có số lượng đền thờ nhiều nhất. Khoảng 500 đền thờ bà nằm rải rác trên khắp thế giới. Ngôi đền Trung Quốc lớn nhất ở Australia thờ Ma Tổ, trong khi cũng có những ngôi đền thờ bà ở Mỹ và Nhật Bản.

Theo SCMP