Sáng ngày 7/9/2019, Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2019-2020. Trường Đại học Cần Thơ được đón tiếp ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Vệt Nam đến dự lễ khai giảng.
Theo trang chủ ctu.edu.vn đưa tin, về đào tạo Trường Đại học Cần Thơ đang tổ chức tốt việc đào tạo 79 ngành bậc đại học 48 ngành thạc sĩ và 19 ngành tiến sĩ. Trường đã cung cấp một nguồn lao động lớn có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là hơn 8.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ vừa mới tốt nghiệp.
Công tác kiểm định chất lượng chương trình đạo tạo cũng được Trường chú trọng, trong năm học đã có thêm 2 chương trình đạo tạo là Kinh doanh Quốc tế và CNTT được AUN công nhận đạt tiêu chuẩn, nâng số chương trình đạo tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA lên 5 chương trình.
Về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2019-2020 của ngành giáo dục; Trường Đại học Cần Thơ sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó, ban hành chương trình đào tạo mới, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, chú trọng chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý.
Đại học Cần Thơ cũng sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ, đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị trực thuộc Trường; tiếp tục hội nhập quốc tế mạnh hơn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh việc giao lưu, trao đổi sinh viên và trao đổi giảng viên, chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu.
Sáng ngày 7/9/2019, Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2019-2020 (nguồn ảnh: ctu.edu.vn). |
Đại học Cần Thơ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo, việc thực hiện lộ trình tự chủ là chủ trương chung đối với các trường Đại học hiện nay.
Trong Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có đặt ra các chỉ tiêu cụ thể.
Theo đó đến năm 2021, phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.
Đến năm 2025 phấn đấu tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; có tối thiểu 20% (bằng 10.426) đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.