Năm nay, những đại gia như Vietinbank, Vietcombank, BIDV... vẫn giữ được vị trí dẫn đầu về lợi nhuận. Thưởng Tết của nhân viên ngân hàng sẽ giảm mạnh vì lợi nhuận giảm.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, đến nay ngân hàng chưa công bố số lợi nhuận chính thức năm 2012 của đơn vị do phải chờ tổng hợp các con số và kiểm toán xong.
Số lợi nhuận chính thức được công bố vào kỳ đại hội cổ đông vào tháng 3 sắp tới của ngân hàng. Tuy nhiên, theo ước tính năm 2012, ngân hàng có lãi khoảng 1.200 tỷ đồng.

Ông Toại không nói mức thưởng, nhưng cho biết vẫn thực hiện chính sách thưởng Tết cho cán bộ nhân viên theo quy định, dù thấp hơn năm trước.

“Ngân hàng vẫn thực hiện chính sách người nào làm tốt thì được thưởng cao, hiệu quả kém thậm chí còn bị phạt. Hội đồng quản trị chưa chốt phương án trả tiền mặt hay cổ phiếu cũng như tỷ lệ chi trả cổ tức”- Ông Toại nói.


Là một trong số ít các ngân hàng công bố sớm mức lợi nhuận, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 4.259 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng so với năm 2011.

Mặc dù vậy, kết quả này vẫn chưa đạt mục tiêu lợi nhuận 5.800 tỷ đặt ra đầu năm cũng như mục tiêu 4.272 tỷ đồng mới điều chỉnh gần đây. Theo báo cáo của BIDV, nợ xấu tính đến cuối năm 2012 ở mức 2,7%.

Lợi nhuận năm 2011 không đạt chỉ tiêu do ngân hàng phải chấp nhận giảm lãi để chia sẻ cùng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, tính đến ngày 31-12-2012, vốn điều lệ của Vietinbank đạt 26.218 tỷ đồng, tổng tài sản (không bao gồm các công ty con, công ty liên doanh liên kết) tăng 9,8% đạt trên 505.000 tỷ đồng.

Tính chung hết năm 2012, Vietinbank đạt 8.213 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và là ngân hàng dẫn đầu về tỷ suất lợi nhuận của toàn ngành. ROE đạt 19,8% trong khi ROA đạt 1,6%. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức thấp nhất trong khối các ngân hàng, ở mức 1,35%. Đầu năm 2013, ngân hàng sẽ trả cổ tức 17% bằng cổ phiếu để đảm bảo kế hoạch tăng vốn sau khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ của Nhật Bản.

Một đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, năm 2012 ngân hàng ước đạt 5.760 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất. Nếu so với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế 5.697 tỷ đồng của năm 2011 thì lợi nhuận của ngân hàng có tăng.

Nhưng nếu so với kế hoạch được đại hội cổ đông thông qua cho năm 2012 là 6.550 tỷ đồng thì Vietcombank mới đạt hơn 85% kế hoạch đề ra. “Năm 2011 nhân viên được nhận tổng cộng 18 tháng lương, thì năm nay chỉ được 15 tháng”- Vị này cho biết.

Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) cũng xác nhận năm nay đơn vị có lãi. Tuy nhiên, mức lãi cụ thể của ngân hàng sẽ được công bố khi có báo cáo kiểm toán cụ thể. Điểm thành công của ngân hàng trong năm là đã trích lập dự phòng rủi ro, đồng thời thu hồi tốt nợ xấu của ngân hàng Habubank.

“Chúng tôi là ngân hàng niêm yết trên sàn nên các số liệu về lợi nhuận cũng rất cần được công bố sớm cho cổ đông, nhà đầu tư biết. Các số liệu này phải có kiểm toán sau báo cáo nên khi có số liệu chính thức chúng tôi sẽ công bố”- Vị này nói.

Đại diện SHB cũng cho biết dù lãi nhưng nhân viên ngân hàng chỉ được thưởng Tết “không đáng kể”, do lợi nhuận chưa lớn. Hiện Hội đồng quản trị cũng chưa có quyết định về cổ tức năm nay.

Đại diện Ngân hàng Nam Á cho biết năm nay kinh doanh khó khăn nhưng ngân hàng vẫn có lãi dù không đạt như kỳ vọng đề ra. Để động viên cán bộ nhân viên, ngân hàng vẫn có thưởng tháng 13 cho toàn bộ nhân viên.

Mức tiền thưởng Tết cụ thể sẽ được ngân hàng bàn bạc, cân nhắc và sẽ sớm công bố. Năm 2011, Nam Á là ngân hàng có mức thưởng tết cho nhân viên tương đương khoảng 2 tháng lương.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cũng là điều dễ hiểu khi các ngân hàng dè dặt công bố mức lợi nhuận năm 2012.

Điều này do kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng không được khả quan như các năm trước. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất khá mạnh cho các hợp đồng vay vốn, đồng thời phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của các ngân hàng bị giảm mạnh so với các năm trước.

“Khi làm ăn không như mong muốn thì người ta rất ngần ngại công bố các số liệu của mình. Còn nếu ổn, tốt thì về tâm lý ai cũng muốn la toáng lên cho cả làng biết. Nếu những món nợ trên sổ sách của các ngân hàng không được xử lý triệt để thì lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm mạnh, thậm chí là không có”- Ông Hiếu nói.

(Theo TP)