{keywords}
Trần Lâm Nam Bảo là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM)

Dự án thiết kế lại bộ sách giáo khoa bao gồm 6 môn học: Vật lí, Ngữ văn, Lịch sử, Hóa học, Địa lý và Sinh học. Nam sinh cho biết mình đã sử dụng nhiều phần mềm thiết kế như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator và Adobe InDesign - bộ công cụ thiết kế nổi tiếng của Adobe và sử dụng nhiều gam màu khác nhau, đặc trưng cho từng cuốn sách.

Các hình ảnh sử dụng được chính Nam Bảo vẽ hoặc lấy cảm hứng từ nhiều trang web nguồn khác nhau như Behance, Pinterest… Ngoài ra, nam sinh tham khảo cách dựng bố cục và xử lý hình ảnh ở nhiều nơi và tự học trên mạng.

Nhiều bình luận trên mạng xã hội cho rằng ý tưởng thiết kế tốt, song màu sắc chưa phù hợp, giá thành cao

Nam Bảo cho biết, ý tưởng của bộ sách xuất phát từ việc nhận thấy hình thức sách giáo khoa hiện tại chưa gây hứng thú nhiều cho học sinh.

“Thời gian ngồi trên ghế nhà trường trong đầu em luôn tràn ngập các ý tưởng về những cách thức khiến việc học trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, em muốn biến những môn học không còn là một khái niệm trừu tượng, mà là một người bạn thân thuộc mình có thể nhìn thấy qua thị giác, cảm giác và hình dung dễ dàng trong đầu” - Nam sinh chia sẻ.

Trong số tác phẩm của mình, nam sinh cảm thấy ưng ý nhất là môn Sinh học. “Xét về tính thẩm mỹ và phân cấp thông tin, em cảm thấy thiết kế của môn Sinh học làm em ưng ý nhất. Ngoài ra, ở bìa môn Ngữ văn, em lấy ý tưởng từ tác phẩm ‘Người lái đò sông Đà’ để thể hiện sự tương phản giữa con người nhỏ bé và thiên nhiên rộng lớn. Em nghĩ rằng mọi người sẽ thích sự đối lập như vậy” - Nam sinh chia sẻ.

Chia sẻ về quá trình làm sản phẩm, Bảo cho biết đã tận dụng thời gian rảnh trong đợt Tết Nhâm Dần vừa qua để tạo ra dự án này. “Em mất hơn 7 ngày để hoàn thành, mỗi ngày 1 cuốn. Do làm liên tục từ sáng đến tối nên sau khi hoàn thiện, 2 hốc mắt em khô và đỏ, may mắn là em không bị ốm” - Bảo nói.

Nam sinh cho biết mình đã tự học thiết kế từ những năm cấp 2 và luôn xung phong thiết kế cho các bài giảng trên lớp. “Em tự mày mò học thiết kế bằng các phần mềm này từ năm lớp 9 trên Internet, Youtube và tự học tư duy thiết kế, bố cục, màu sắc trên Behance. Ngoài ra trong các tiết sinh hoạt lớp, em nhận việc làm Powerpoint để thuyết trình” - Nam sinh kể.

Theo Bảo, điều quan trọng nhất trong giai đoạn làm ra bộ sách là tính phân cấp thông tin trong thiết kế sách và bìa. “Trong bộ sách em cố gắng sử dụng ít chữ nhất có thể để tránh gây ngộp khi tiếp cận thông tin. Việc cân bằng giữa thông tin hình ảnh là rất khó. Em đang phải trau dồi thêm nhiều để có thể làm hài hòa bố cục hơn” - Nam sinh nói.

Thêm vào đó, nam sinh cũng thấy khá tiếc khi chưa thể hoàn thiện hết của tất cả các môn. “Do số lượng môn lớn nên em chỉ chọn ra các môn em có ý tưởng nhất. Ví dụ như ở môn Hóa em dùng phong cách thiết kế tối giản, ở sách Văn và Sử là hơi hướng xưa cũ, còn ở môn Vật lý và Địa lý, em thiết kế theo hướng hiện đại và bắt mắt” - Bảo chia sẻ.

Nói về tính ứng dụng và thẩm mỹ, Bảo chia sẻ rằng đây là vấn đề khó khăn nhất. “Khi được đăng tải trên mạng xã hội, em nhận được nhiều ý kiến cho rằng sách đẹp nhưng in thành sản phẩm sẽ gây tốn chi phí, cuốn sách sẽ dày hơn và màu sắc chưa được đảm bảo. Tuy nhiên, trong dự án này, sẽ thật khó để cân bằng cả 2” - nam sinh nói.

Trong tương lai, nam sinh dự định thi vào ngành Thiết kế đồ họa và giành học bổng của một trường đại học quốc tế.

Doãn Hùng

Nam sinh làm đồ án tốt nghiệp 'Con rồng cháu Tiên' từ giấy dán

Nam sinh làm đồ án tốt nghiệp 'Con rồng cháu Tiên' từ giấy dán

Đó là tác phẩm của Nguyễn Hoàng Tuấn Duy (1999, Tây Ninh), tân cử nhân ngành Mỹ thuật ứng dụng, chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ của trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.