Nguyễn Bảo Minh vừa hoàn thành chương trình học ở khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Cuối tháng 5, khi dịch Covid-19 'nóng' trở lại, xuất hiện nhiều ca nhiễm cộng đồng, thành phố trưng dụng ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM làm khu cách ly tập trung. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM yêu cầu tất cả sinh viên nội trú rời khỏi ký túc xá. Nhận được yêu cầu nhưng Bảo Minh không về quê mà xin ở lại thành phố tham gia chống dịch.

{keywords}
Nhận được yêu cầu rời KTX nhưng Bảo Minh không về quê mà xin ở lại chống dịch

Minh trở thành tình nguyện viên cùng xếp đồ, dọn phòng ký túc xá cùng các chiến sĩ. Một tuần sau, khi công việc ở ký túc xá đã “hòm hòm”, Bảo Minh tiếp tục theo hoạt động của Thành đoàn TP.HCM với vai trò điều phối tình nguyện viên. Minh hỗ trợ việc lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người dân tiêm vắc xin.

Sau hai tháng, Bảo Minh phụ thêm chương trình ATM oxy tại trạm bơm trung tâm và trạm bơm oxy ở Thủ Đức.

Hằng ngày công việc cứ diễn ra bình thường và Minh xem đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với thành phố, nơi đã che chở cho Minh những năm tháng đại học. Khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội, Minh còn tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm cho sinh viên. Nhiều sinh viên bị mắc kẹt không có đồ ăn, hay không mua được thức ăn đều được Bảo Minh chuyển đồ tới hỗ trợ.

“Em xem đó là công việc của mình và thấy mình vẫn còn may mắn vì có cơ hội đi đến từng ngõ hẻm để trao tận tay đồ cho các bạn”.

3 tháng tham gia chống dịch, Bảo Minh có dịp quen biết nhiều anh, chị, người bạn mới, dù họ chỉ nhìn nhau qua lớp khẩu trang, kính chống giọt bắn nhưng cùng chung mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, sớm để thành phố hoạt động lại bình thường.

{keywords}
Bảo Minh phụ thêm chương trình ATM oxy tại trạm bơm trung tâm và trạm bơm oxy tại Thành phố Thủ Đức

Đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19, nhưng một ngày cuối tháng 8, khi test nhanh định kỳ, Bảo Minh nhận được kết quả dương tính với SARS-COV-2.

“Lúc đó em hụt hẫng vô cùng và không biết phải làm gì. Hàng ngày di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác em rất lo lắng liệu mình có làm lây lan cho ai không" - Minh nhớ lại.

Biết mình nhiễm bệnh, Minh báo với tổ trưởng nơi cậu ở trọ. Trái với lo lắng, nhiều người nhắn tin động viên và chúc Minh khỏi bệnh. “Cho đi sẽ nhận lại, cuộc sống luôn tươi đẹp, khi mọi người yêu thương nhau và đây là động lực để em có tinh thần chữa trị”- Minh nói.

{keywords}
Hỗ trợ chuyển thức ăn cho các bạn sinh viên bị mắc kẹt

Ngay sau đó, Minh được đưa đến khu cách ly tập trung ở Trường THPT Dương Văn Thì, TP.Thủ Đức để test PCR. Khi được xác định nhiễm Covid-19, Minh được chuyển xuống Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 số 3.

Dù bản thân mắc Covid-19, điều Minh vui nhất là tất cả những người cậu tiếp xúc đều có kết quả âm tính. Sợ gia đình lo lắng, Bảo Minh cũng giấu việc mình nhiễm bệnh với ba mẹ đang ở quê nhà Bến Tre.

Bảo Minh cho hay, mình có đầy đủ triệu chứng của người nhiễm Covid-19 như sốt, ho, đau họng, mất khứu giác. Ngoài thuốc chữa trị được cung cấp, hàng ngày Minh uống thêm vitamin C, tập thể dục, ngồi thiền và thường xuyên nói chuyện với bạn bè để giữ tinh thần thoải mái.

{keywords}
 

Sau hơn 10 ngày điều trị, Bảo Minh vui mừng khi sức khoẻ đã ổn định. Kết quả test nhanh đã âm tính với SARS-COV-2. Thêm một điều thú vị là trong những ngày chống lại Covid-19, Bảo Minh đã hoàn thành khoá học nghiệp vụ sư phạm.

“Hãy lạc quan, yêu đời đó là liều thuốc, là vắc xin tinh thần đánh bại Covid-19”- Minh nói.

Minh nói, sau 4 tháng vừa tham gia chống dịch, vừa điều trị, Minh có cảm giác bản thân mình đã lớn lên. Minh rút ra nhiều bài học, trong đó quan trọng là phải chăm sóc bản thân thật tốt, không chủ quan, yêu thương mọi người nhiều hơn nữa.

“Những việc nhỏ nhặt em đã làm, dù có thể là việc không lớn với mọi người nhưng là kỷ niệm đẹp, là tuổi trẻ và cống hiến của mình một phần cho đất nước”.

{keywords}
Nguyễn Bảo Minh

Minh nhắn gửi mọi người nếu không may trở thành F0 thì hãy bình tĩnh, chăm sóc bản thân thật kỹ, đừng nghĩ tiêu cực mà hãy để tinh thần thoải mái, lạc quan nhất có thể. Phải giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái tích cực nhất, như vậy sẽ sớm khỏi bệnh.

Bảo Minh hi vọng kết quả xét nghiệm PCR sắp tới sẽ âm tính, để tiếp tục tham gia tình nguyện chống dịch cùng những người khác. “Nếu được em sẽ tiếp tục tình nguyện, nếu không được làm trực tiếp thì làm online để giúp đỡ những người cần mình”- Minh nói.

Lê Huyền (Ảnh NVCC)

Hành trình vượt Covid-19 của nữ giảng viên nuôi con nhỏ 11 tháng tuổi

Hành trình vượt Covid-19 của nữ giảng viên nuôi con nhỏ 11 tháng tuổi

Chị Phạm Thị Phi Yến (SN 1988), giảng viên Khoa Lưu trữ học-Quản trị văn phòng, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, từng mắc Covid-19. Nhờ sự lạc quan, suy nghĩ tích cực, nữ giảng viên đã khỏi bệnh sau 2 tuần điều trị.