- Các em được cho đi du học sớm, trong khi chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức sống, rất dễ lâm vào trạng thái trầm cảm, lâu dần sẽ muốn tìm tới cái chết.
Sau 1 năm rời gia đình sang Úc du học, kết quả học tập của Hoàng Nam (tên được thay đổi, 18 tuổi) bỗng dưng sa sút khó hiểu. Những buổi học ở giảng đường, Nam không thể tập trung học bài, tâm trí lúc nào cũng nghĩ tới buồn chán.
Nam kể rằng cảm giác buồn bực không chỉ xuất hiện trong ngày mà vào ban đêm càng khó chịu hơn. Suốt thời gian dài, nam sinh này rất khó ngủ và nếu có ngủ thì cũng ngủ được rất ít, chỉ vài tiếng mỗi đêm.
Người dân tới giám định tâm thần ở trung tâm giám định tâm thần khu vực TP.HCM |
"Tâm trạng mình lúc nào cũng lo lắng, buồn bực. Vào những lúc như vậy mình không biết tâm sự cùng ai, gia đình thì ở xa, bạn bè ở Úc ít, lại không hợp nên khó có thể nói chuyện được" – Hoàng Nam nói và chia sẻ rằng điều đó khiến cậu sống khép kín hơn.
Lo lắng cho sức khỏe của bản thân, Hoàng Nam có tới một bệnh viện địa phương gần chỗ cậu học, nhờ bác sĩ tư vấn. Tuy nhiên, khi nghe vị bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu trầm cảm, Nam lại không tin.
Dù bác sĩ có kê đơn thuốc chống trầm cảm, nhưng vì nghĩ bản thân không có bệnh, Hoàng Nam đã không dùng thuốc.
"Thời gian sau đó, mình rất chán chường, không làm sao thoát được cảm giác thất vọng chính bản thân. Có khi mình đã nghĩ tới cái chết để được giải thoát" – Hoàng Nam nhớ lại.
Nhận thấy việc Hoàng Nam học hành sa sút, tâm trạng bất ổn, gia đình đã khuyên cậu tạm thời gác việc học lại, về nước cho thoải mái, nhưng Nam đã lắc đầu.
"Mình nghĩ bản thân có thể tự giải quyết được, nhưng thực tế không phải vậy, mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn sau đó" – Nam nói.
Bố Nam – ông Trọng Sinh, đã phải bắt máy bay sang nơi con trai theo học. Gặp con trai, ông Sinh không tin nổi vào mắt mình, khi Nam – từ một chàng trai cao lớn, nặng gần 70 kg, nay chỉ chưa tới 60 kg. Được bố khuyên nhủ, Nam rời Úc về Việt Nam.
"Bản thân tôi cũng có thời gian học ở nước ngoài, nên khi nghe Hoàng Nam kể lại quá trình học ở Úc, tôi nhận ra ngay cậu ấy đã mắc chứng trầm cảm – chứng bệnh tôi cũng suýt gặp phải" – ThS BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc trung tâm giám định tâm thần khu vực TP.HCM nhớ lại.
Theo BS Quang, khi ấy ông 37 tuổi, đã có vợ con và được cử sang Pháp học thêm chuyên môn.
Người bị trầm cảm nặng kéo dài thường nghĩ tới cái chết |
"Ban đầu tôi khá háo hức, nhưng khi sang Pháp được ít thời gian lại rơi vào hụt hẫng. Pháp lúc đó là mùa đông, tuyết rơi rất nhiều, khung cảnh buồn não nề. Chỗ tôi sống không có người Việt Nam, trong khi lại gặp khó trong giao tiếp, trao đổi chuyên môn" – BS nói và chia sẻ, thời điểm ấy gọi điện về nhà rất khó khăn, chứ không dễ như khi có mạng xã hội như bây giờ.
"Từ việc gọi điện thoại, đi chợ nấu ăn, đồ dùng cá nhân, mọi thứ đều phải cân đo đong đếm. Đối với tôi đã không hề dễ dàng, thì với những du học sinh trẻ tuổi mọi việc lại càng khó khăn" – vị BS chuyên khoa tâm thần trải lòng.
Gặp được người hiểu mình, Hoàng Nam đã trải lòng hết với vị bác sĩ và khi được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, nam sinh này cũng không lấy làm bất ngờ. BS Quang nói nhờ đó mà nam sinh tuân thủ cách điều trị ông vạch ra, kết quả là tình trạng bệnh đã giảm.
Theo GĐ trung tâm giám định tâm thần khu vực TP.HCM, lứa tuổi nào cũng có thể mắc trầm cảm, nhất là độ tuổi từ 15 – 18 và phải sống xa nhà.
"Các em được cho đi du học sớm, trong khi chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức sống. Khi ra nước ngoài, thời tiết khắc nghiệt, học hành căng thẳng, lại không nhận được sự hỗ trợ từ người thân, rất dễ lâm vào trạng thái trầm cảm, lâu dần sẽ muốn tìm tới cái chết để giải thoát bản thân" – BS Nguyễn Ngọc Quang khẳng định.
Nữ Việt kiều bị loạn thần khi về quê ăn tết
Trong thời gian về Việt Nam ăn tết cùng gia đình, nữ Việt kiều 52 tuổi có dấu hiệu bị loạn thần khi gây ăn nói ồn ào, hành vi không kiểm soát. Thời gian ở Đức, người này từng bị trầm cảm.
Những chuyện bi hài do loạn thần vì rượu
Tưởng tượng có người giết mình, hoặc vợ ngoại tình, hoặc nhìn thấy ma quỷ, quái vật về bắt mình… Từ các triệu chứng trên, nhiều vụ án mạng, bạo lực đã diễn ra.
Những dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang mắc trầm cảm sau sinh
Mẹ bầu là đối tượng hay mắc phải bệnh trầm cảm, nhất là sau khi sinh nở. Những dấu hiệu dưới đây sẽ "tố cáo" mẹ bầu đang mắc bệnh trầm cảm.
Nam giới có bị trầm cảm không? Nhận biết như thế nào?
Trầm cảm không chỉ có ở nữ giới mà ngay cả nam giới cũng dễ mắc phải chứng bệnh này. Dù là người trưởng thành hay trẻ nhỏ thì cũng không ngoại lệ với bệnh trầm cảm.
Điều trị bệnh trầm cảm bằng những cách nào?
Có nhiều cách để chữa bệnh trầm cảm, cách thông dụng nhất là dựa vào triệu chứng của bệnh để chữa.
Văn Đức