Để góp phần nâng cao năng lực cho doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức cấp C/O, chiều ngày 31/10, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương sẽ tổ chức chương trình trực tuyến chuyên sâu về xuất xứ hàng hoá - triển khai Hiệp định UKVFTA.
Chương trình nhằm trao đổi với các doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức cấp C/O những quy định xuất xứ cập nhật đối với hàng hóa xuất khẩu đi Vương quốc Anh như: Cộng gộp vải Hàn Quốc; Cơ chế chứng nhận xuất xứ khi GSP UK chấm dứt (01/01/2023); Một số điểm khác biệt tại UKVFTA so với FTA Việt Nam tham gia; Phương án cấp C/O cho lô hàng chia nhỏ tại EU rồi đưa sang UK; Một số điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2018/NĐ-CP; Giải đáp vướng mắc triển khai Thông báo 257/TB-BCT về việc in C/O; Cập nhật chuyển đổi PSR tại AJCEP, RCEP, …
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 đã tạo bước chuyển biến tích cực trong quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước.
Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi từ hiệp định, các chuyên gia cho rằng, DN Việt cần nắm vững cam kết về quy tắc xuất xứ của Vương quốc Anh.
Theo Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 85,6% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021), xóa bỏ đến 99,2% số dòng thuế từ ngày 1/1/2027 và 0,8% số dòng thuế còn lại sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan (với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%). Với các cam kết này, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, hoa quả, cà phê, gạo, dệt may, đồ gỗ… sẽ có lợi thế khi tiếp cận thị trường này, đặc biệt khi dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn cho xuất khẩu.
Ngoài ra, để thực thi Hiệp định UKVFTA, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, như Nghị định 53/2021/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Với quy tắc xuất xứ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2022 về ký công hàm trao đổi với Hàn Quốc để triển khai nguyên tắc cộng gộp xuất xứ theo UKVFTA. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong UKVFTA.
Việc ban hành các văn bản pháp luật sẽ giúp DN tận dụng ưu đãi mà Hiệp định UKVFTA mang lại. Cụ thể, trong Thông tư 02, để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh. Theo thông tư này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có trị giá dưới 6.000 Euro, nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ; đối với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ; lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Đối với nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định khi hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UKVFTA, Thông tư nêu rõ, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hoặc chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ.
Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ nước thành viên nhập khẩu. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ tự chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương…
Quang Ninh, Minh Hưng, Nguyễn Doanh,Trần Chung, Nguyễn Hằng, Hồng Phúc