Tung tin bán điện thoại, tivi… với giá “hoang tưởng”

Thời gian gần đây, hàng loạt nhà bán lẻ điện máy, điện thoại như FPT Shop, Điện máy Xanh, Viễn thông A… liên tiếp cảnh báo người tiêu dùng trong nước cảnh giác về tình trạng trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều fanpage giả mạo các doanh nghiệp này.

Theo thông tin từ Điện máy Xanh, fanpage Điện máy Xanh giả mạo tung ra nhiều chiêu trò lừa gạt khách hàng bằng những thông tin gây nhiễu loạn, dụ khách hàng bằng nhiều chương trình giảm giá sốc, những khuyến mãi có một không hai... Ví dụ như chương trình bán iPhone 6S 64GB giá 199.000 đồng, bán tivi LCD giá 2 triệu đồng...

Trong tháng 8, phía FPT Shop lên tiếng về việc xuất hiện fanpage giả mạo trên Facebook lấy logo cũ của FPT và gắn thêm cụm từ FPT Shop, đăng tải những thông tin quảng cáo không có thật về chương trình bán 100 iPhone 5S 32 GB với giá 100.000 đồng cho 100 người may mắn nhất. Thậm chí để tạo sự tin tưởng, fanpage giả mạo còn đưa ra lý do FPT Shop quyết định “xả kho” thực hiện chương trình này là trong tháng 9 Apple sẽ cho ra mắt iPhone 7 và tri ân nhân dịp mở cửa hàng thứ 350.

Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, phía FPT Shop đã report (báo cáo) cho Facebook để ngăn chặn kịp thời fanpage giả mạo.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên fanpage FPT Shop bị mạo danh. Hồi tháng 5/2016, một địa chỉ fanpage giả tự nhận là "fanpage thứ hai chính thức của FPT Shop" đã đăng tải thông tin về chương trình mua iPhone 6S với giá chỉ 89.000 đồng dành cho 950 người may mắn.

Tương tự đối với trường hợp Viễn thông A, fanpage giả mạo doanh nghiệp cũng thực hiện bán điện thoại Samsung Note 5, iPhone 6S gây sốc với giá 199.000 đồng.

Trong thực tế, hầu hết các fanpage giả mạo các nhà bán lẻ điện thoại, điện máy đều yêu cầu người truy cập bấm Like (thích trang), chia sẻ bài viết công khai lên tường, tag bạn bè, comment số điện thoại để được gọi và xác nhận gửi hàng.

Theo các chuyên gia bảo mật, tình trạng fanpage giả mạo đang xuất hiện rầm rộ trên rất nhiều lĩnh vực và các hãng, nhà bán lẻ uy tín trở thành nạn nhân. Ví dụ như các chương trình bán xe máy Piaggio, Honda, Yamaha… giá ưu đãi, hoặc like, chia sẻ về Facebook cá nhân để có cơ hội trúng phần thưởng là chính những chiếc xe trị giá vài chục triệu đồng.

Không ít người dùng vì nhẹ dạ cả tin đã điền thông tin, nạp cả có mã thẻ cào điện thoại để được hưởng khuyến mãi, được mua theo chương trình ưu đãi hoặc “hoàn thiện hồ sơ” bằng thẻ cào trị giá hàng triệu đồng để mong nhận trúng thưởng là những chiếc xe Piaggio, Honda, tiền mặt...

Phát hiện Fanpage giả mạo cách nào?

Theo khuyến cáo của các doanh nghiệp, khi truy cập vào fanpage người tiêu dùng cần lưu ý các fanpage chính thức đa phần đều có dấu tích màu xanh dương xác nhận “chính chủ” từ Facebook ngay bên cạnh logo.

Cùng đó, khách hàng cần tìm hiểu tại mục About (Về chúng tôi) của fanpage chính thức sẽ có đầy đủ thông tin liên lạc của doanh nghiệp, trong đó có số điện thoại hotline (có nơi miễn phí cước). Khi có thắc mắc về các chương trình ưu đãi, khuyến mãi hoặc nghi ngờ có thông tin giả mạo khuyến mãi, khách hàng có thể liên lạc ngay qua hotline này để được xác thực thông tin chính xác nhất.

Ngoài ra, fanpage lừa đảo, giả mạo thường đăng thông tin mập mờ, ít khi phản hồi lại bình luận của người dùng. Nếu thấy khuyến mãi “khủng” bất thường như bán iPhone 5S giá 100.000 đồng, người dùng cần tỉnh táo, không vội tin tưởng.

Khi đã xác định được đó là fanpage giả mạo, người dùng có thể chọn vào dấu ba chấm bên cạnh nút Like và Message của fanpage để chọn Báo cáo (Report), chọn “Đó là một trang lừa đảo” (It 's scam) và “Chặn và Ẩn tất cả” (Block, Hide all from).

Ngoài ra, nếu phát hiện thêm hoặc nghi ngờ bất cứ fanpage nào giả mạo, khách hàng có thể báo lại cho các doanh nghiệp qua hotline, bằng bình luận bên dưới các bài viết để phía doanh nghiệp xác nhận, nhanh chóng đưa ra cảnh báo cho khách hàng và kịp thời báo Facebook để ngăn chặn.