- "Gia đình tôi toàn vào BV huyện để khám và đã có mấy lần xét nghiệm máu. Chúng tôi đang rất lo lắng và chắc chắn phải đi kiểm tra lại sức khỏe…” - anh Lê Thanh Hùng (xã La Phù, huyện Hoài Đức) bức xúc.

Bàng hoàng, bức xúc

Như VietNamNet đã đưa tin về vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm gây phẫn nộ dư luận, có không ít người bệnh đã phải khốn khổ vì những gì mà Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức làm trong thời gian qua.

Theo tìm hiểu của PV, có trường hợp sản phụ bị nhiễm viêm gan B, kết quả dương tính được đưa ra từ một bệnh viện sản tại nội thành Hà Nội.

Đến khi sinh con, sản phụ này chọn sinh ở bệnh viện huyện Hoài Đức thì kết quả xét nghiệm trước sinh cho thấy chị âm tính với virus viêm gan B.

{keywords}

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh bàng hoàng khi biết sự việc xảy ra tại nơi mình thường đến khám, chữa bệnh (Ảnh: Cẩm Quyên)

 

Không tin kết quả này, chị yêu cầu làm lại thì được thông báo dương tính với loại virus này!

Lại có người bệnh xét nghiệm đường huyết, kết quả cho thấy không bị tiểu đường. Nhưng khi lên bệnh viện tuyến trên, kết quả lại hoàn toàn ngược lại.

Thậm chí, ngay cả với bệnh nhân cấp cứu, nhân viên khoa xét nghiệm chỉ ghép kết quả xét nghiệm máu của người khác vào chứ không làm xét nghiệm thật.

Sau khi biết thông tin, nhiều bệnh nhân và người nhà đã tỏ ra cực kỳ bức xúc với cách làm này.

Ngồi đợi ngay trước cửa phòng khoa Xét nghiệm để lấy máu – nơi xảy ra vụ việc động trời, bà Nguyễn Thị Thanh (47 tuổi, trú tại thôn Yên Bê, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) nói: “Tôi xem ti vi, đọc báo mới biết là có chuyện như vậy xảy ra tại đây. Các bác sĩ được Nhà nước đào tạo ra, ăn lương Nhà nước để khám, chữa bệnh cho người dân mà lại để xảy ra sai phạm như thế làm tôi không dám tin vào kết quả khám và chữa bệnh nữa”.

Còn bệnh nhân Lê Thị Hiền thì cho biết: “Tôi xem tivi thì cũng mới biết có chuyện này. Đây là nơi mà cả nhà tôi hay đến khám vì có BHYT ở đây. Không biết chúng tôi có nằm trong số bị trả kết quả giả hay không?”.

Rồi bà nói thêm về lý do vẫn đến khám sau khi báo chí đưa tin: “Đài báo nói rầm rộ thế chắc họ phải dừng ngay chứ không dám làm sai nữa. Tôi vẫn phải qua đây khám trước vì muốn lên tuyến trên phải qua tuyến dưới trước”.

Bà Hiền cho biết bà mong muốn sự việc phải được làm rõ và ai sai phạm phải bị xử lý.

“Họ làm thế là quá liều lĩnh, coi thường sức khỏe và tính mạng bệnh nhân, không thể chấp nhận được”, bà nói.

Còn anh Lê Thanh Hùng (xã La Phù, huyện Hoài Đức) nói rằng chắc chắn nhiều người dân trong huyện đang rất thất vọng vì cách làm việc khó tin của các cán bộ y tế huyện nhà.

Theo anh Hùng, ở nơi không xa các bệnh viện lớn trong nội thành, người dân ở đây hoàn toàn có thể đi thêm vài chục cây số để khám.

Tuy nhiên, không phải bệnh nào cũng vào bệnh viện lớn. Có những bệnh tuyến huyện có thể chữa trị được.

“Sau khi biết thông tin, gia đình tôi cực kỳ bức xúc. Trước đây, có việc gì liên quan đến sức khỏe, gia đình tôi đều vào BV huyện để khám và đã có mấy lần xét nghiệm máu. Chúng tôi đang rất lo lắng và chắc chắn phải đi kiểm tra lại sức khỏe…” – anh Hùng nói.

Tính đến thời điểm này, cho thấy có trên 1.000 cặp bệnh nhân có kết quả xét nghiệm máu giống nhau (tức kết quả của 1.000 người được nhân bản thành của 2.000 người).

Cụ già 80 tuổi dùng chung kết quả xét nghiệm với cháu bé 22 tháng tuổi

Kết quả thanh tra bước đầu cho thấy có những kết quả xét nghiệm được dùng chung cho những người khác xa nhau về tuổi.

Đó là trường hợp của bà Lương Thị Máng (64 tuổi, ở xã Song Phương) và cháu Nguyễn Quảng (6 tuổi, Lại Yên); cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, Tiền Yên) và ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, Song Phương); cụ Phạm Sáu (82 tuổi, Cát Quế) và cháu Vương Anh (4 tháng tuổi, Di Trạch); cụ Nguyễn Châu (80 tuổi, Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, Đức Thượng).

 

"Thay máu' ở bệnh viện

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 8/8, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế HN đã có buổi làm việc với Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng có mặt để tiếp nhận công việc sau khi giám đốc bệnh viện Nguyễn Trí Liêm bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Nhiên, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức cũng bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Trong lần trao đổi với phóng viên, khi được hỏi thông tin gì bà Nhiên cũng nói “không nắm được” và đề nghị phóng viên chờ kết quả điều tra được công bố (Ảnh: Cẩm Quyên)

 

Trao đổi với phóng viên sau cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại cuộc họp lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã công bố các quyết định đình chỉ công tác những người có liên quan đến việc nhân bản xét nghiệm trong thời gian qua.

Cụ thể, quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, thời hạn tạm đình chỉ công tác là 15 ngày kể từ ngày ký (8/8).

Lý do đình chỉ là để phục vụ việc xem xét điều tra khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại bệnh viện này.

Ngoài ra, Sở đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với bà Nguyễn Thị Nhiên, PGĐ phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã tạm điều động các cán bộ ở các bệnh viện khác về bệnh viện Hoài Đức để lấp các khoảng trống đang bị tạm đình chỉ nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh không bị ảnh hưởng.

Trong buổi làm việc với nhân viên bệnh viện sau khi tiếp nhận công việc, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết với những bệnh nhân đã từng khám ở đây và có kết quả xét nghiệm máu trùng nhau, bệnh viện sẽ tái khám và điều trị miễn phí nếu bệnh nhân có nhu cầu.

Đây cũng là nội dung đã được Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường thông báo tại buổi họp báo ngày 7/8. Với những bệnh nhân muốn tái khám nhưng không muốn khám lại ở bệnh viện này, ông Cường cho biết Sở sẽ sắp xếp để bệnh nhân được khám ở bệnh viện khác nhằm đảm bảo quyền lợi của họ.

Cẩm Quyên