Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống trải dài ở 145/151 xã, phường, thị trấn. Trong đó: 59 xã khu vực (KV) III, 12 xã KV II, 74 xã KV I và 86 thôn, xóm diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc các xã KV II và KV I. Đây là những địa bàn được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ, cũng là vùng đồng bào DTTS&MN Tây Bắc được Đảng, Nhà nước xác định là vùng trọng yếu, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước.

Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Người dân bán thổ cẩm

Sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 22/NQ-TW về chủ chương chính sách phát triển KT - XH miền núi, đến nay, số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh còn 39% trên tổng số xã, phường, thị trấn (giảm 29 xã so với năm 2017). Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 25,2 triệu đồng/người/năm (vượt 5,2 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết). Hằng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn còn 23,12% (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Tháng 7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với các mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm  giảm 2,5%-3%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%.

100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa; 100% trường lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số xã có điểm cung cấp dịch vụ intrernet công cộng phục vụ nhân dân; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;

Từng bước quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát;

Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường 99,9% học sinh trong độ tuổi tiểu học duy trì ổn định 100%, học sinh trung học cơ sở 98,8%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 95%;

Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT; trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;

Khoảng 63% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số;

Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trên 80% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn, xóm có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;

Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa bàn, từng cơ quan.

Mục tiêu đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS tối thiểu đạt ½ bình quân chủng của cả nước; giảm hộ ngheo xuống dưới 10%; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ;

Trên 90% số hộ nông dân thiểu số làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hóa; trên 90% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và đời sống của người dân;

Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong vùng đồng bào DTTS; quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xã xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở có nơi ở ổn định, an toàn.

Đây là những mục tiêu đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và chính bản thân những người thụ hưởng.

Nhằm phát huy nội lực, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên của vùng đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2021 - 2022, các ngành và cấp ủy các cấp vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh đã chủ động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo ra nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Tiêu biểu như phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; "Chung tay xây dựng nông thôn mới”; "Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”… được triển khai và được đồng bào các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Qua đó đã khẳng định vai trò hạt nhân của đồng bào các DTTS trong quá trình phát triển KT – XH, xây dựng bộ máy chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc...

Năm 2022, tỉnh đã đưa 9 nội dung, nhiệm vụ công tác dân tộc vào Chương trình nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoàn thành nhiệm vụ công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đã ban hành một số chính sách đặc thù như: Đề án số 09-ĐA/TU ngày 28/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, gắn với phát triển KT-XH bảo đảm quốc phòng, an ninh hai xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu; phân công các sở, ban, ngành, đơn vị của tỉnh giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chăm lo cho đồng bào DTTS; lồng ghép các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Một giai đoạn mới đã bắt đầu, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 đã được khởi động, mở ra cơ hội để Hòa Bình sớm đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế xã hội của vùng đồng bào DTTS.

Bạt Tuấn, Thanh Hà, Kiều Oanh, Diệu Bình, Thu Hằng