Hợp tác xã Nông nghiệp và thương mại Mường Động chính thức được thành lập vào ngày 16/9/2016, có trụ sở chính tại xóm Bãi Chạo, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình với 26 thành viên. 

Một nửa thành viên HTX là người dân tộc Mường và dân tộc Dao đang sống tại nhiều xã khác nhau trong huyện Kim Bôi, xuất phát điểm là các hộ gia đình đang sản xuất, trồng cây ăn quả có múi với quy mô nhỏ. HTX đã đăng ký 16 ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó xác định trồng cây cam quýt và các loại cây ăn quả có múi khác là mục tiêu hoạt động chính của HTX. 

anh 2.jpg
Sản phẩm Cam Mường Động đã lên sàn thương mại điện tử.

Trong khi diện tích sản xuất và sản lượng cây ăn quả có múi những năm gần đây gia tăng một cách nhanh chóng thì vấn đề thị trường tiêu thụ là thách thức lớn nhất đối với đơn vị sản xuất. Để giải quyết những yêu cầu này, HTX nông nghiệp và Thương mại Mường Động đã được những thành viên đầu tiên - là những chủ vườn tâm huyết - thành lập với chung một mục tiêu là nâng cao số lượng và giá trị sản phẩm, phát triển nhãn hiệu Cam bưởi Mường Động thành một thương hiệu nông sản mạnh của tỉnh Hòa Bình.

“Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm hàng hoá dịch vụ nông sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của HTX. Qua quá trình hình thành và phát triển, chúng tôi nhận thấy đây là phương thức sản xuất tốt nhất để thực hiện vai trò liên kết của các hộ thành viên với HTX và các cửa hàng, doanh nghiệp, chuỗi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh”, lãnh đạo HTX Mường Động cho biết.

Với diện tích ban đầu là 125 ha cây ăn quả có múi, đến nay HTX Mường Động đã mở rộng được trên 147ha, trong đó diện tích trồng cây sản xuất, kinh doanh chiếm 65%. Đến thời điểm hiện nay có 77,6ha diện tích trồng cây ăn quả có múi được cấp Chứng nhận VietGAP và 3,2ha diện tích được Cấp chứng nhận hữa cơ.

Hàng năm HTX Mường Động thường xuyên duy trì chế độ hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng cho các thành viên, do vậy toàn bộ diện tích cây ăn quả có múi đều đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, sinh trưởng phát triển tốt. 

Khi sản lượng cây ăn quả có múi bắt đầu tăng đều, HTX Mường Động đã chủ động đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch, sơ chế sản phẩm, sọt đựng sản phẩm, giá đựng, kệ hàng, các dụng cụ, thiết bị bảo vệ người lao động. 

Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh qua các hoạt động quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của HTX, bán hàng qua hợp đồng với hệ thống bao bì, tem nhận diện sản phẩm... 

Ngoài ra, HTX cũng cung cấp, tổ chức dịch vụ tham quan vườn cây; trung bình mỗi năm có khoảng 160 đoàn khách tham quan với trên 2500 lượt người. Hiện nay HTX Mường Động triển khai kết hợp với các khu du lịch tại địa phương để mở tuor du lịch sinh thái kết hợp nhà vườn nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại và gia tăng giá trị thu nhập cho thành viên và lao động của HTX.

Việc tổ chức liên kết giữa nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với mô hình sản xuất truyền thống, việc xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ góp phần sản xuất bền vững, và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ an toàn làm thay đổi cơ bản từ nhận thức đến hành động của người sản xuất, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hoá gắn với nhu cầu của thị trường, góp phần hạn chế tình trạng sản

xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất trong việc sử dụng hoá chất, phân bón,... nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng của người dân, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hoá, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, HTX Mường Động cũng gặp không ít các khó khăn về nguồn lực và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Sự phát triển nhanh chóng diện tích cây ăn quả có múi ở địa bàn trong và ngoài tỉnh Hoà Bình tạo ra sức ép cạnh tranh về giá thành và chất lượng sản phẩm, nhất là vùng mới phát triển như khu vực huyện Kim Bôi. Quá trình hội nhập kinh tế khu vực và tham gia tiến trình toàn cầu hóa đã mang lại những cơ hội xuất khẩu, quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài, đồng thời cũng tạo ra sức ép về tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Đứng trước vấn đề này, lãnh đạo HTX kiến nghị có những điều chỉnh về chính sách để HTX có thể tiếp cận nguồn vốn vay cho sản xuất. Bên cạnh đó, HTX cũng mong muốn được hỗ trợ trang thiết bị tập huấn, quản lý sử dụng công nghệ 4.0 để đưa vào sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường Trung Đông, Đông Bắc Á, Đông Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á, vì đây là các thị trường có tiềm năng, có thể tiếp nhận tốt sản phẩm quả có múi của Việt Nam.

Trần Huệ và nhóm PV, BTV