Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường.

Rừng đặc dụng bao gồm vườn quốc gia; khu bảo tồn thiên nhiên; khu bảo vệ cảnh quan; khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường.

{keywords}
Rừng phòng hộ ở nước ta ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở nước ta ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn.

Tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật giảm rõ rệt; các đơn vị dần kiểm soát được tình trạng xâm hại, lấn chiếm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi rừng sang loại rừng khác và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Đồng thời, diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được duy trì và phát triển thông qua trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng.

Đến nay, cả nước đã thành lập được 167 khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Cúc Phương là đơn vị được thành lập đầu tiên năm 1962) với tổng diện tích 2.303.961 ha, thuộc 54/63 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích có rừng là 2.173.231 ha.

Hệ thống quản lý các khu rừng đặc dụng được phân loại là 34 vườn quốc gia; 56 khu dự trữ thiên nhiên; 14 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 54 khu bảo vệ cảnh quan; và 09 khu nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

Trần Thường