Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Thực tế này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững trong dài hạn. Tính dễ tổn thương của Việt Nam gia tăng do nước ta chịu nhiều rủi ro thiên tai, do vị trí địa lý, mô hình phát triển kinh tế và các vùng đồng bằng, ven biển với mật độ dân cư cao cũng như các nhóm dân cư là người dân tộc thiểu số tại các vùng cao, hẻo lánh. Nhiệt độ tăng, hạn hán và lũ lụt ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tần suất xuất hiện và cường độ bão tăng đe dọa tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.
Nhận thức được những thách thức đó và để thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định 01/2022/QĐ-TTG ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Với nền tảng này, thời gian qua, các bộ ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững mà Chính phủ đặt ra.
Nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu
Để ứng phó hiệu quả với BĐKH, theo các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, bên cạnh thực hiện các chính sách, Việt Nam cần triển khai các giải pháp kịp thời để thu hút các dòng vốn đầu tư, các dòng tài chính xanh vào triển khai các nhiệm vụ đặt ra.
TS.Nguyễn Đăng Mậu-Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các giải pháp công trình trong thích ứng với BĐKH thường đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Trong khi nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH còn hạn chế, các hoạt động thích ứng thường khó thu hút sự tham gia của cộng đồng cư dân, tổ chức xã hội và khối tư nhân.
Đề cập về nguồn lực đầu tư cho việc ứng phó với BĐKH, ông Phạm Vĩnh Phong-Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Chính phủ cần xem xét, phê duyệt và bố trí nguồn lực kịp thời (ngay từ năm đầu kỳ Kế hoạch 5 năm 2026 - 2030) để triển khai các chương trình đầu tư công có quy mô quốc gia, có tính chất trọng điểm về BĐKH giai đoạn 2026 – 2030. Việc làm này nhằm huy động hệ thống chính trị chủ động tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, góp thần thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, bao gồm cam kết tại COP26 về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện, đồng bộ hóa chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, bao gồm phát triển rừng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư cho ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh. Ngoài ra, thúc đẩy tăng cường ngoại giao nghị viện nhằm huy động nguồn lực tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ từ các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính cho ứng phó với BĐKH.
Nhấn mạnh thị trường vốn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch nền kinh tế Việt Nam theo hướng carbon thấp và nâng cao khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, thông qua nỗ lực huy động nguồn vốn xanh, việc thúc đẩy tài chính xanh và tài chính bền vững là ưu tiên dài hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Hôm 8/8, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Lễ ra mắt Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN kỳ vọng việc ban hành Sổ tay hướng dẫn về việc kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính sẽ giúp DN xác định và quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội hành động mới nhờ làm nổi bật những cải thiện có hiệu quả chi phí mà trước đó chưa được chú trọng tới. Đây cũng là một cấu phần thiết yếu trong lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng "0" và là nền tảng đầu tiên của mọi chiến lược bền vững của DN.