Vị trí của tỉnh Hậu Giang là trung tâm của Nam Sông Hậu nên sẽ được thừa hưởng những thuận lợi đó. Hiện tại, tỉnh có các điều kiện thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Đây là thời điểm để tỉnh cất cánh. Chính vì thế, vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo đầu kỳ của tỉnh Hậu Giang hồi đầu năm đã xác định, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 Hậu Giang xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng, tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng kinh tế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, thu hút lao động và giảm di cư, cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng dịch vụ hành chính. Phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Hậu Giang trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển khá, không phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, tăng tỷ trọng công nghiệp, tăng tỷ suất nhập cư.
Mục tiêu đến năm 2050, xây dựng Hậu Giang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển khá so với cả nước, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân liên tục khoảng 7%, cơ cấu kinh tế hiện đại, trở thành trung tâm công nghiệp của vùng, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, quy mô dân số có thể đạt 900 nghìn người.
Giải pháp chiến lược cho giai đoạn 2025 – 2030 là đầu tư hạ tầng kết nối vùng và các dự án công nghiệp, đô thị, kiện toàn bộ máy quản lý, khung thể chế song song với thực hiện chuyển cơ cấu trên diện rộng. Đối với giải pháp chiến lược giai đoạn 2030 – 2050, đơn vị tư vấn đề xuất Tỉnh cần xúc tiến mở rộng hợp tác giao thương, liên minh phát triển ra tầm quốc gia và quốc tế, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng chiến lược thông minh…
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh, việc xây dựng định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vô cùng quan trọng. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 13) về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 78 ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 đã đem đến luồng gió mới, tạo cơ sở đột phá quan trọng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới.
Quy hoạch là nhằm mở rộng không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Là công cụ quan trọng của công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực. Như Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Muốn phát triển tốt phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt”.
Trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu phát triển tỉnh Hậu Giang trở thành tỉnh khá, cải thiện vị trí xếp hạng quy mô kinh tế, thu ngân sách so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Xây dựng thành công các nền tảng bền vững cho tăng trưởng các giai đoạn tiếp theo. Định hướng xây dựng quy hoạch phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030 theo các trục: "một tâm, hai tuyến, ba thành, bốn trụ, năm nhiệm vụ trọng tâm".
Theo đó, một tâm là lấy huyện Châu Thành là trung tâm và động lực trong phát triển trụ cột đô thị và công nghiệp. Đây có thể nói là bệ phóng để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới; hai tuyến, là tuyến giao thông giữa Hậu Giang với Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối với tuyến giao thông sắp hình thành, đó là tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và cao tốc Châu Đốc-Trần Đề. Trên cơ sở hai tuyến đó thì xây dựng các trung tâm đô thị, các khu công nghiệp phát triển dọc theo hai tuyến; ba thành là nâng tầm và phát triển thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; bốn trụ cột là công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh, du lịch chất lượng; Năm nhiệm vụ trọng tâm là: Hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các lĩnh vực; cải cách mạnh mẽ hành chính, kết nối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng, tập trung vào các hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Giải quyết tốt vấn đề nêu trên chính là góp phần tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để tỉnh hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và hiện thực hóa chương trình hành động nâng tầm phát triển Hậu Giang trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới.
Được biết, cùng với xây dựng định hướng chiến lược, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghị quyết về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025. Đây là nghị quyết cụ thể hóa định hướng chiến lược phát triển của tỉnh, đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán của tỉnh là tập trung nguồn lực phát triển 4 trụ cột trọng tâm (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch) để lan tỏa, tạo nguồn lực hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.
Cửu Long